Theo kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh mỗi ngày, các làng nghề của xã Châu Khê thải ra khoảng 40-50 tấn xỉ than, xỉ kim loại, 2.600- 2.700 m3 nước, 255-260 tấn khí chủ yếu là CO2 và khoảng
Nghề sản xuất thép hình thành ở làng Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã từ lâu. Nhờ sự phát triển của nghề này mà nhiều gia đình ở Đa Hội đã có “của ăn của để”. Tuy nhiên, cùng với sự giàu lên nhanh chóng của làng nghề là sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Con đường dẫn chúng tôi vào làng nghề Đa Hội gập ghềnh bởi những ổ trâu, ổ gà do xe chuyên chở nặng đi lại nhiều gây nên. Hằng ngày, trên con đường hơn 2km có hàng trăm xe tải lớn nhỏ chở phôi, chở nguyên liệu từ xưởng này sang xưởng khác, gây ùn tắc giao thông. Mùi khói, bụi từ các xưởng sản xuất thép, khói của các phương tiện cơ giới hoà quyện với bụi của đường tạo nên một thứ bụi đặc quánh, đen xì.
Theo thống kê của UBND phường Châu Khê, hiện ở Châu Khê có hơn 1.700 cơ sở sản xuất thì ở Đa Hội chiếm đến hơn 900 cơ sở đúc phôi thép, cán thép, mạ, làm đinh, đan lưới thép... Sản lượng các loại sắt thép đạt gần 1.000 tấn/ngày. Số lao động thường xuyên trong khu vực này khoảng 5.000-7.000 người, trong đó 50% đến từ các địa phương khác. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng kinh tế, người dân Đa Hội đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường. Anh Trần Văn Dũng, một chủ doanh nghiệp sản xuất thép cho biết, ở đây, người dân mắc nhiều bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường nhưng làm nghề thì phải chịu thôi, không có cách nào khác.
Theo kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh mỗi ngày, các làng nghề của xã Châu Khê thải ra khoảng 40-50 tấn xỉ than, xỉ kim loại, 2.600- 2.700 m3 nước, 255-260 tấn khí chủ yếu là CO2 và khoảng 6 tấn bụi. Môi trường đất chịu tác động của các chất độc hại từ các nguồn thải đổ bừa bãi và nước mưa bị nhiễm bẩn ngấm xuống. Dải đất canh tác phía sau các hộ sản xuất đều bị bỏ hoang do ô nhiễm. Nhà ở và xưởng sản xuất xen lẫn nhau. Trong làng hầu như không còn cây bóng mát. Anh Trần Văn Tuyển, Trưởng thôn Đa Hội cho biết, do việc sản xuất nằm ngay trong khu dân cư nên ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Người dân phải hít các loại khói, bụi kim loại trong quá trình sản xuất. Trẻ con ở Đa Hội có vẻ cũng chậm lớn hơn so với các nơi khác.
Đứng trước thực trạng đó, năm 2002, xã Châu Khê (nay là phường Châu Khê) đã hoàn thành xây dựng Cụm công nghiệp sản xuất thép Châu Khê. Cụm công nghiệp đã thu hút khá nhiều cơ sở sản xuất lớn như: máy đúc thép, máy cán thép... vào sản xuất tập trung, tách khỏi khu dân cư, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.
Ông Phạm Văn Thinh, Chủ tịch UBND phường Châu Khê, cho biết, mặc dù cụm công nghiệp sản xuất thép đã đi vào hoạt động từ năm 2002, nhưng đến nay một số hạng mục của dự án Cụm Công nghiệp đến nay vẫn chưa được hoàn thiện như: nhà điều hành, khu kiốt (dịch vụ), hệ thống thoát nước cần được cải tạo lại để đảm bảo tiêu nước trong Cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng mặt bằng cho sản xuất của nhân dân hiện nay là rất lớn, các doanh nghiệp đầu tư dây truyền sản xuất hiện đại (đối với các hộ sản xuất đúc thép và cán thép cần diện tích tối thiểu cho sản xuất là 500 m2/máy), đòi hỏi mặt bằng sản xuất lớn hơn dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất công làm nơi sản xuất tạm thời và chứa nguyên vật liệu. Vấn đề quản lý đất đai, quản lý giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù vậy, hiện UBND phương Châu Khê lại đang tiếp tục xin thành lập cụm công nghiệp nữa nhằm tập trung hết các hộ sản xuất đang nằm xen kẽ khu dân cư vào một nơi tập trung nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phát triển nghề là điều cần thiết. Tuy nhiên, để phát triển làng nghề theo hướng bền vững, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện các biện pháp quản lý và kỹ thuật phù hợp để giảm thiểu tác động môi trường trong khu vực làng nghề một cách có hiệu quả./.
Theo Bộ TNMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét