Để có thể xuất xưởng rau củ quả nhanh mà lại “đẹp mã”, nhiều nông dân đã không ngần ngại sử dụng nhiều các loại thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật (BVTV). Chính việc quá lạm dụng, sử dụng không hợp lý các loại thuốc này đã gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước… và cả sức khỏe của con người.
Các ruộng rau ở ngay trên địa bàn Thủ đô như Dương Nội, Đông Anh, Quốc Oai, Thường Tín… đều tràn ngập vỏ các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Chẳng hạn tại Dương Nội, xuất hiện khá nhiều vỏ bao thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (chủ yếu là chữ Trung Quốc) trên các bờ ruộng của nông dân. Đặc biệt là người dân sử dụng những loại thuốc này không hề giống với hướng dẫn sử dụng. Chẳng hạn như thuốc phun dùng để trị bệnh nấm trên lúa và dưa hấu thì lại được dùng tràn lan cho rau.
Bên cạnh đó, có những loại thuốc được cảnh báo có độc tính cao nhưng người dân vẫn thường xuyên “tắm thuốc” cho rau.
Chị Thủy, một thương lái chuyên thu mua rau từ vựa rau Ninh Sở (Thường Tín) đến các chợ đầu mối khu vực Hà Nội, từng chia sẻ trên tờ Bảo vệ pháp luật “Lạ gì việc người ta dùng thuốc kích thích tăng trưởng. Ví dụ với cây hành, người trồng thường dùng loại viên sủi, cứ 4 ngày bơm một lần, khi thu hoạch hành rất đẹp lá. Rau đắt thì bơm kích thích càng nhiều, nhất là dịp cuối năm, trồng bao nhiêu cũng không đủ bán.”
Chính vì sử dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, tăng trưởng…không những giúp cây trồng, hoa màu sinh trưởng tốt, nhanh, chống được các loại sâu bệnh, cho năng suất cao mà còn giúp tích kiệm sức lao động, đem lại nhiều thu nhập nên người dân đã sử dụng những loại thuốc này một cách vô tội vạ. Không chỉ ở đồng bằng mà ngay cả các địa phương miền núi, người dân cũng thường xuyên dùng đến những loại thuốc được coi là “thần dược” này. Chưa tính đến những loại thuốc BVTV chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, chỉ với việc nhiều người có suy nghĩ phun càng nhiều thuốc thì hiệu quả càng cao mà không làm theo hướng dẫn trên bao bì, theo quy định đã gây ra nhiều nguy hại, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng.
Thói quen vứt bừa bãi bao bì, chai lọ thuốc BVTV của người dân gây nguy hại nhiều cho môi trường xung quanh
Ngoài ra, hầu hết người nông dân đều giữ thói quen vứt bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng bừa bãi ở trên đồng ruộng, thậm chí ngay cả trên các bờ kênh đã khiến một lượng thuốc còn sót lại phát tán ra không khí, thẩm thấu vào đất, nguồn nước gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thêm vào đó, ngay sau khi phun thuốc xong, người dân thường có thói quen rửa bình bơm và dụng cụ pha chế thuốc BVTV không đúng nơi quy định khiến môi trường đất, nước càng ô nhiễm và đất cũng trở nên khô cằn, bạc màu. Nếu con người tiếp xúc và sử dụng nguồn nước, đất có nhiễm thuốc BVTV sẽ có thể bị mắc các bệnh như rối loạn tim mạch, da liễu…, thậm chí mắc cả ung thư.
Không chỉ có những người tiếp xúc với đất, nước, thuốc BVTV mà cả những người ăn phải những thực phẩm vượt ngưỡng các loại thuốc này cũng bị ảnh hưởng bởi lượng chất độc sẽ tích dần trong cơ thể. Sự tích lũy này lâu dần có thể gây nên các bệnh ung thư, dị dạng thai nhi… giống như những trường hợp bị nhiễm chất độc màu da cam.
Trước “ma trận” rau phun thuốc BVTV quá ngưỡng, nhiều loại rau an toàn (các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường), rau hữu cơ (rau canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên) đã ra đời để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Thế nhưng trên thị trường hiện nay, rau an toàn đang lộ ra nhiều bất cập. Chẳng hạn như nhiều người tiêu dùng mất niềm tin ở rau an toàn vì có cơ sở được nhận chứng nhận rau an toàn nhưng lại thu mua những sản phẩm không được chứng nhận và bán cho người tiêu dùng.
Hay nhiều bà con nông dân ở một số tỉnh thành phía Bắc hiện không còn mặn mà trồng rau theo mô hình này vì đầu ra vướng nhiều khó khăn, sản phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái tự do và nếu bán ở chợ thì thua lỗ vì chẳng có gì khác biệt so với rau bình thường mà giá lại cao. Còn với rau hữu cơ thì sản lượng làm ra lại ít không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Các cơ sở sản xuất loại rau này được cấp chứng nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay vì rất khó trồng, năng suất lại không cao và đòi hỏi nhiều công sức cũng như kỹ thuật của người trồng. Thế nên cái mong muốn được dùng rau sạch của người dân đã trở nên ngày càng xa xỉ khi đa số các loại rau vẫn thuộc dạng… không an toàn.
Hải Băng (Tổng hợp)
Theo songmoi.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét