Hàng ngàn lò gạch ở ĐBSCL hằng ngày xả khói bụi độc hại ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Mặc dù đã có nhiều giải pháp hạn chế ô nhiễm được đưa ra nhưng rất ít lò gạch áp dụng nên người dân phải hứng chịu ô nhiễm dài dài.
Các lò gạch ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) xả khói đen mù mịt - Ảnh: Thanh Tú
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2010 phải “xóa sổ” các lò gạch thủ công nhưng nhiều địa phương xin dời sang năm 2015 mới thực hiện.
37 năm sống chung với ô nhiễm
Từ cầu Mỹ Thuận, theo quốc lộ 80 về hướng thị xã Sa Đéc, đi đến cầu Xẻo Vạt thuộc xã Tân Bình, thị xã Sa Đéc là có thể thấy “đại bản doanh” của các chủ lò gạch nằm ở bên kia sông Sa Đéc, thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Nơi đây nổi tiếng là địa chỉ cung cấp gạch, gốm cho các công trình xây dựng, trang trí nội thất và cũng đầy tai tiếng về nạn ô nhiễm môi trường do khói bụi và các chất độc hại khác thải ra từ lò gạch như: HF (axit flohiđric), NO2 (nitrogen dioxit), SO2 (sunfua dioxit), CO (carbon monoxit)...
Nhà ông Cao Văn Mánh (76 tuổi, ở ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành) nằm ngay phía sau cụm lò gạch ven sông Sa Đéc (phía bên kia là thị xã Sa Đéc). Gần 37 năm qua, gia đình ông Mánh phải sống trong cảnh ô nhiễm, khói bụi từ 12 lò gạch thải ra khiến ông bị bệnh phổi nặng, sắp chuyển qua hen suyễn. Ông Mánh kể: “Hồi trước vùng này đất đai màu mỡ, cây cối sum sê. Sau giải phóng, nhiều lò gạch mọc lên khiến vườn tược, cây cối cứ lụi tàn theo khói bụi và các chất độc hại khác. Chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại lên chính quyền các cấp nhưng không thấy ai xử lý rốt ráo. Cây cối không sống nổi nên người dân trắng tay phải đi tha phương kiếm sống hoặc trở thành phu lò gạch”.
Bà Nguyễn Thị Ánh, ngụ cùng ấp với ông Mánh, than: “Hồi trước gần 3 công vườn của tui trồng được dừa, chuối, xoài... nhưng mấy năm qua cây cối khô lá chết hết nên có vườn cũng như không. Cây cối chết, người bệnh tật vì môi trường ô nhiễm nhưng khi chúng tôi khiếu nại thì không được cấp thẩm quyền xử lý hay hỗ trợ thiệt hại gì cả”.
Nhiều chủ lò gạch không mặn đầu tư mới?
Ông Nguyễn Hữu Đức, một chủ lò gạch ở Đồng Tháp, đã có sáng kiến cải tạo quy trình sản xuất gạch từ lò thủ công bằng phương pháp quạt hút đưa đường lửa liên thông giữa các miệng lò. Sáng kiến này đoạt giải A Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp năm 2010. Theo ông Đức, một lò gạch có quy mô sản xuất 100.000 viên gạch/tháng, nếu áp dụng mô hình của ông sẽ tiết kiệm được khoảng 1/3 nhiên liệu nhưng năng suất tăng gấp 4 lần. Đặc biệt, khi áp dụng mô hình này, tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, từ khi đề tài của ông Đức đoạt giải đến nay, rất ít chủ lò gạch tìm hiểu để áp dụng mặc dù nếu áp dụng theo mô hình này mỗi lò gạch được Sở TN-MT tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng. “Nguyên nhân là do các chủ lò đã quen với mô hình sản xuất cũ nên không mặn với việc đầu tư mới” - ông Đức nhận định.
Dân kêu các lò gạch gây ô nhiễm, nhưng kết quả quan trắc mới đây của Sở TN - MT Đồng Tháp cho thấy ngoài chất HF có hàm lượng cao hơn quy chuẩn Việt Nam, còn các chất độc hại khác như NO2,SO2, CO... đều nằm trong giới hạn cho phép. Giải thích về việc kết quả quan trắc trái ngược với phản ảnh của người dân, bà Vũ Thị Nhung, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Tháp, cho biết kết quả quan trắc thể hiện từng thời điểm khi quan trắc nên không phản ánh hết tình hình ô nhiễm môi trường của việc đốt lò gạch.
Tại Vĩnh Long, Trung tâm Tư vấn an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường miền Nam đo không khí xung quanh khu vực sản xuất gạch gốm Cổ Chiên (huyện Mang Thít) đã cho kết quả báo động về mức ô nhiễm. Theo đó, 100% mẫu giám sát có nồng độ khí HF vượt quy chuẩn môi trường từ 10-33 lần, gấp 23 lần lượng HF thải ra từ các khu công nghiệp. 100% mẫu giám sát có nồng độ khí CO vượt quy chuẩn môi trường từ 1,2-7,7 lần. Nồng độ bụi lơ lửng vượt quy chuẩn môi trường đến 8 lần. Lượng khí độc này tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Rất ít cơ sở áp dụng công nghệ mới
Báo cáo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chuyến giám sát giữa năm 2011, UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết toàn tỉnh có 1.357 cơ sở sản xuất gạch, gốm với trên 2.000 lò nung gạch, tập trung ở hai huyện Mang Thít, Long Hồ. Hầu hết các lò gạch còn sản xuất thủ công nên môi trường xung quanh, đặc biệt là không khí, bị ô nhiễm...
Do làng nghề sản xuất gạch, gốm ở Vĩnh Long tạo công ăn việc làm cho trên 12.000 lao động nên đoàn kiểm tra yêu cầu các sở ban ngành của tỉnh tính toán hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cải tiến kỹ thuật sản xuất để giảm mức độ ô nhiễm môi trường đến mức thấp nhất.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất gạch, gốm ở Vĩnh Long khắc phục ô nhiễm. Ông Hồ Văn Huân, giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện nay tỉnh mới có đề tài khoa học nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế do các công nghệ mang lại và áp dụng vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và làm giảm ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa - giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có khoảng 182 cơ sở sản xuất gạch, ngói với trên 525 lò nung thủ công. Từ năm 2008 đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan tổ chức nhiều hội thảo để hướng dẫn, giới thiệu các mô hình sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường; tổ chức tham quan các lò gạch kiểu mới ở Tây Ninh, An Giang, Bình Dương...
Nhưng đến nay, chỉ có chín cơ sở chuyển đổi mô hình sang lò nung cải tiến ít gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do việc chuyển sang các lò nung áp dụng công nghệ mới phải có công suất lớn, mặt bằng rộng, chi phí đầu tư cao nên vượt khả năng của nhiều chủ cơ sở.
Ngoài ra, do gạch được sản xuất từ các lò nung áp dụng công nghệ mới có giá thành cao hơn nhiều so với gạch sản xuất bằng lò thủ công... Trước thực tế này, Sở Công thương Đồng Tháp đã đề nghị kéo dài thời gian “đóng cửa” các lò thủ công đến năm 2015.
Thanh Tú - Ngọc Hậu
Theo tuoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét