Các doanh nghiệp sản xuất túi nilon thân thiện không thể cạnh tranh nổi vì giá cao hơn và người dân vẫn quen dùng các loại túi thông thường
Theo thống kê của Quỹ Tái chế - Sở Tài nguyên môi trường TP HCM, mỗi ngày thành phố tiêu thụ 9 triệu túi nilon (50-70 tấn), tăng gần gấp đôi với 4 năm trước.
Mỗi ngày đi chợ, mỗi người thường dùng tới 4-6 túi nilon loại thường.
Trong khi đó, chưa tới 2% người đi chợ sử dụng túi thân thiện môi trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc sở Tài nguyên Môi trường TP HCM cho biết, hiện cả nước có 17 đơn vị sản xuất túi thân thiện môi trường, riêng TP HCM có 11 đơn vị. Thế nhưng các đơn vị này đang phải khó khăn trong cuộc cạnh tranh không cân sức với túi nilon thông thường.
Theo ông Lê Sanh Mỹ, đại diện Công ty cổ phần bao bì Vafaco, đơn vị này hiện sống nhờ vào một vài cửa hàng, hệ thống siêu thị và không thể cạnh tranh với bao nilon ngoài thị trường. Ông lý giải, một kg bao nilon có giá khoảng 30.000 đồng, trong khi loại túi thân thiện môi trường giá cao hơn 10.000 đồng, khiến sản phẩm của Vafaco bị đẩy khỏi các chợ. “Công ty cũng lập cửa hàng bán túi thân thiện môi trường nhưng một thời gian thì dẹp bỏ vì lượng mua quá ít, các tiểu thương chọn mua túi nilon vì giá rẻ, giúp họ có lời nhiều hơn”, ông Mỹ nói.
Rác thải từ túi nilon là hiểm họa cho môi trường. Ảnh: Duy Trần
Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, theo đó, mỗi kg túi nilon khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế. Thông thường, loại túi nilon khó phân hủy được bán với giá 30.000 đồng một kg, nếu tính cả tiền thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng thì giá túi nilon hiện nay phải trên 70.000 đồng. Tuy nhiên, giá túi nilon bán ở các chợ vẫn phổ biến trên dưới 30.000 đồng một kg vì nhiều doanh nghiệp sản xuất loại hàng này không đóng thuế bảo vệ môi trường.
Trong khi đó ông Mỹ cho biết, doanh nghiệp của ông sản xuất kinh doanh túi nilon thân thiện môi trường và theo Luật không phải đóng thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, khi luật có hiệu lực ngày 1/1/2012, doanh nghiệp này vẫn phải đóng mức thuế 40.000 đồng một kg trong gần một năm mới được miễn thuế.
Đại diện Cục Thuế TP HCM cho rằng, sở dĩ có trường hợp này là vì luật hiện hành chưa nói rõ thời gian nào được áp dụng miễn cho các doanh nghiệp sản xuất túi nilon thân thiện môi trường sau khi được cấp chứng nhận sản phẩm. Riêng việc doanh nghiệp sản xuất túi nilon thông thường trốn thuế, Cục Thuế cho biết đã nắm tình hình và nhiều lần lên phương án, giải pháp.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, các doanh nghiệp đang cố tình lách luật để làm lợi, Cục Thuế cũng đau đầu vì thất thu.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất túi nilon thân thiện kiến nghị cơ quan chức năng nên có giải pháp đồng bộ để cạnh tranh sòng phẳng.
Đồng thời, đề xuất giảhm thuế giá trị gia tăng xuống 5% hoặc trợ giá 1.000-2.000 đồng trên một kg túi thân thiện môi trường.
Túi nilon được các chuyên gia đánh giá là hiểm họa môi trường, bởi mất cả 1.000 năm mới có thể tiêu hủy. Thế nhưng ở Việt Nam, mỗi gia đình vẫn đang sử dụng hơn một kg bao nilon mỗi tháng. Trong chương trình mục tiêu quốc gia về quản lý chất thải rắn, đến năm 2015 có 40% người dân sử dụng túi thân thiện môi trường, năm 2025 là 65% và năm 2050 có 85% người sử dụng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM rất ít người dân biết đến các sản phẩm này cũng như cách thức phân biệt được túi nilon khó phân hủy và túi nilon thân thiện với môi trường.
Duy Trần
Theo kinhdoand.vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét