Breaking News

Tin tức môi trường

TIn tức môi trường

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Kinh hãi làm kem bẩn - xưởng sản xuất như chuồng heo

Ở miền Bắc, thời tiết nắng nóng là thời điểm các xưởng kem nhái, kem “gia công” hay còn gọi kem “bẩn” chính thức vào mùa. Kem… ruồi Nằm cách Hà Nội chỉ 30 km nhưng riêng 2 xã Văn Phúc và Xuân Phú thuộc huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã có tới 4 xưởng kem “gia công”. Không chỉ làm nhiệm vụ “phủ sóng” các loại kem cho người dân trong huyện, 4 xưởng kem này cho ra lò hàng chục vạn chiếc mỗi ngày đảm bảo cung cấp cho hầu hết các huyện lân cận như Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất… hay thậm chí cả các tỉnh xa như Hòa Bình, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc... Tại xưởng kem Sáu-Thủy ở thôn Cựu Lục (xã Văn Phúc) nằm sát ngay đường liên xã lúc nào cũng bụi mù mịt là 2 người phụ nữ đang cắm cúi chế biến nguyên liệu thô cho những chiếc kem dừa sắp ra lò. Nguyên liệu ở đây chính là những trái dừa được lột vỏ chỉ còn trơ cùi được vứt lăn lóc dưới đất, ruồi bu đen đặc
.
kem bẩn

Người phụ nữ này chế biến nguyên liệu thô cho sản phẩm kem sữa dừa ngay bên lề đường

Nguyên liệu thô cho sản phẩm

Kem sữa dừa ngay bên lề đường. Không khẩu trang, không găng tay và cũng không sử dụng bất kỳ trang thiết bị bảo hộ vệ sinh nào, một nữ công nhân cho biết: “Do cùi dừa khi nạo sẽ hấp dẫn ruồi nên chủ xưởng yêu cầu chúng tôi mang ra lề đường chế biến cho đỡ… bẩn”. Vừa vun đống cùi dừa đã nạo thành từng đống chảy nước ròng ròng, nữ công nhân còn lại lên tiếng: “Không hiểu sao cứ mỗi khi chúng tôi nạo dừa thì ruồi ở đâu bu đến nhiều kinh khủng. Vì thế, nhiều khi chúng tôi vẫn phải loại bớt những chiếc kem thành phẩm vì có lẫn cả ruồi chết trong đó”. Các nữ công nhân này cho hay, vì ruồi quá nhiều và đuổi không xuể nên chủ xưởng phải mua bả ruồi về đánh bẫy. “Đánh bả như thế cũng không ăn thua, đây là lần thứ 8 trong ngày tôi phải đi quét xác ruồi, lần nào quét cũng phải lưng chiếc xẻng con” – nữ công nhân này nói. Không chỉ có xưởng Sáu-Thủy mà cả 3 xưởng kem còn lại cũng trong tình trạng tương tự.

Xưởng sản xuất như chuồng lợn

 Nếu như các xưởng kem “ruồi” ở Phúc Thọ (Hà Nội) giao tới tay đại lý với giá từ 1.000đồng - 1.500đồng/chiếc thì xưởng kem của ông chủ tên Nam thuộc thị trấn Nhã Nam (Bắc Giang) lại có giá cạnh tranh đến giật mình, chỉ 600đồng/chiếc. Gọi là xưởng cho oai chứ khi bước vào xưởng kem này cảm giác đây như một chuồng lợn. Không biển hiệu, không giấy phép, nhà xưởng tồi tàn và tối om om trong khi nước thải ngập lênh láng khắp nơi, gần 20 công nhân cởi trần trùng trục mồ hôi mồ kê nhễ nhại làm việc dưới mái tôn nóng hầm hập. Giữa xưởng là một bể nước làm lạnh dùng để ngâm kem đục ngầu màu gỉ sắt. Ngay sát thành bể là rãnh thoát nước thải và công nhân đang làm kem nếu mắc tiểu có thể vô tư “tưới tiêu” ngay tại chỗ. Cách đó vài mét là một khu bếp dùng làm nơi nấu bột. Trên đó lăn lóc đủ thứ xoong nồi, máy trộn, khuôn kem bằng tôn gỉ sét, bao tải sữa bột, bao tải bột năng (loại bột chuyên dùng để làm kem), que cắm kem và cả chục can hóa chất hương liệu. Tất cả những bao tải, can đựng này đều không hề có nhãn mác và khi được hỏi, chủ xưởng chỉ lấp lửng rằng nguyên liệu chế biến được nhập từ… nước ngoài. Tuy nhiên, nước ngoài là nước nào thì chủ xưởng nhất định không tiết lộ. Khác với các hãng kem danh tiếng, công thức và quy trình pha chế nguyên liệu được giữ kín thì ở xưởng anh Nam việc này lại được thực hiện công khai. Theo anh Nam công thức làm kem cũng rất đơn giản, bột năng sẽ được trộn với sữa bột, hương liệu, đường… với tỉ lệ nhất định sau đó đưa lên bếp nấu chín. Tùy loại kem đưa ra thị trường là kem va-ni, kem dâu tây, kem đậu xanh hay kem dừa… mà chọn loại hương liệu, phẩm màu có mùi tương tự để pha chế. Bột sau khi nấu chín sẽ được đưa vào đánh nhuyễn, để nguội rồi đóng vào từng vỉ khuôn 20 chiếc làm bằng tôn.

Nguy cơ nhiễm bệnh

Tiến sỹ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Sử dụng kem “bẩn” có nguy cơ lây nhiễm rất cao với nhiều loại bệnh. Đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu thì nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn. Chỉ nói về nguồn nước mà các xưởng kem tự phát sử dụng đa phần đều không đảm bảo, có thể tồn tại trong đó nhiều kim loại nặng hay thậm chí cả chất độc như Asen (thạch tín) hay Dioxin. Đó là chưa kể tới các nguy cơ tiềm ẩn khác như sản phẩm có sử dụng các chất hóa học không được phép hoặc được phép nhưng lại quá liều lượng như các chất tạo xốp, chất tạo ngọt, phẩm màu... Nếu que kem bị ô nhiễm bởi những vi khuẩn như tả, lỵ, thương hàn… thì khi sử dụng chắc chắn người ăn sẽ nhiễm bệnh. Lúc này que kem trở thành là nguồn truyền nhiễm cho chính người sử dụng”. Cần nhắc lại vài năm trước, khi Hà Nội bùng phát dịch tiêu chảy cấp với con số cả ngàn người nhiễm phẩy khuẩn tả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh có khả năng gây tử vong này được cho là có nguồn gốc từ các loại kem “bẩn” vốn bày bán tràn lan từ thành thị cho tới làng quê. Hầu hết các xưởng làm kem đều nằm ở vùng ven nên chưa có nước sạch, do đó nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước giếng khoan, cá biệt có nơi sử dụng nước ao tù ngay phía sau nhà đưa lên bể lọc qua loa rồi bơm thẳng xuống xưởng pha chế.

Như Thảo - Theo Tienphong.vn
Read more ...

Bộ ảnh những bãi rác thải khổng lồ trên thế giới


Dưới đây chỉ là hình ảnh của 1 trong số rất nhiều những bãi rác thải khổng lồ trên thế giới - nơi mưu sinh của biết bao người dân nghèo. Trong ngày Môi trường thế giới, bộ ảnh được đăng tải nhằm kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường. Theo Liên Hợp Quốc, mỗi năm, có tới 1,3 tỷ tấn rác thải mỗi năm và con số này sẽ còn tăng lên 2,2 tỷ tấn vào năm 2025. Để kiếm được chút tiền ít ỏi mưu sinh, biết bao trẻ em nghèo tại vùng Paranaque, phía Nam Manila, Philippines vẫn ngày đêm gắn bó với bãi rác thải khổng lồ và tìm kiếm những món đồ phế liệu. 




Mỗi ngày, hàng trăm xe rác lại tập kết tại bãi rác thải ở Paranaque, phía Nam Manila, Philippines.

Cùng với những chuyến xe đó là ánh mắt mong mỏi của biết bao người dân nghèo.
Họ luôn chờ đợi sẵn ở đây để lục tìm những món đồ có thể bán đồng nát.


Rác được đổ thành đống, mọi người vây quanh rồi dùng rồi dùng tay không móc, bới và lượm cbất cứ thứ gì có thể bán được rồi tống vào bao tải. Đây chỉ là 1 trong sốnhững bãi rác trên thế giới - nơi người nghèo khó mưu sinh mỗi ngày.


Làm việc cực nhọc trong môi trường ô nhiễmnhưng những người dân nghèo cũng chỉ kiếm được 4USD (khoảng 80.000 đồng) một ngày.


Cuộc sống bấp bênh, nghèo khó khiến họ phải lao động tại nơi được coi là ô nhiễm bậc nhất.
Sống và làm việc tại bãi rác này, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật.

Cùng với những người dân lao động nghèo khó là hình ảnh các em nhỏ lật đật theo cha mẹ mưu sinh.


Không được đến lớp học, những đứa trẻ cùng cha mẹ đi thu lượm rác thải tại những bãi rác mỗi ngày.


Theo chân cha mẹ tới những bãi rác, các em cũng phải đối mặt với bao nguy cơ vì sức khỏe bị ảnh hưởng.



Người lao động và trẻ em nghèo chỉ đeo những đôi găng tay mỏng để "hành nghề".

Các em chăm chú thu lượm phế thải, giúp đỡ gia đình.



Bé gái mang theo 2 bao tải đựng những món đồ mới thu lượm được.



Đôi chân trần nhiều khi bị rướm máu do giẫm phải những mảnh sành vụn.
Nhưng đối với em, những bao tải đựng đầy rác là niềm hạnh phúc mỗi ngày.


Người dân như bị chìm trong "núi rác" khổng lồ. 



Các em nhỏ vui đùa ngay tại bãi rác thải sau những giờ lao động mệt nhọc. 



Nụ cười hồn nhiên trên mảnh đất ô nhiễm khiến nhiều người vô cùng xót xa.

Nguồn tin: kenh14.vn
Read more ...

Môi trường biển bị tác động bởi dân cư và khí hậu như thế nào

Có thể thấy, sự phát triển kinh tế, dân số, diễn biến bất thường của khí hậu và thiên tai đã tác động lớn đến tài nguyên và môi trường biển. Vùng biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững.
Mâu thuẫn trong sự phát triển
Vùng ven biển nước ta là nơi phát triển kinh tế năng động và có mật độ, tốc độ phát triển dân số cao. Dọc bờ biển có tới 12 đô thị lớn, 40 cảng, hàng trăm bến cá và khoảng 238.600 cơ sở sản xuất công nghiệp.
Hoạt động du lịch, dịch vụ và quá trình đô thị hoá đang gia tăng mạnh. Sản lượng khai thác cá biển, đã vượt mức cho phép, 80% là từ vùng nước ven bờ. Nguồn lợi hải sản gần bờ và xa bờ đều giảm nhiều so với 10 năm trước.
Sản lượng khai thác gần bờ năm 2003 giảm 14% so với năm 2001 và mức đóng góp vào tổng sản lượng thuỷ sản của quốc gia giảm từ 63% xuống còn 48,7%.
Diện tích đầm nuôi thuỷ sản nước mặn, lợ tăng, nhiều địa phương phát triển ồ ạt. Phương tiện giao thông thủy ngày càng nhiều, sản lượng khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng tăng, gây nên tình trạng ô nhiễm dầu trên diện rộng.
Tràn dầu là một trong số tai biến đáng báo động. Trong số các nguồn ô nhiễm dầu, lớn nhất là nguồn từ tuyến hàng hải quốc tế. Khai thác khoáng sản ven biển như than, vật liệu xây dựng, sa khoáng đã làm biến dạng cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường và làm tăng xói lở bờ biển.
Riêng mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh mỗi năm đã thải ra khoảng 13 - 19 triệu mét khối đất đá và khoảng 30 - 60 triệu mét khối chất thải lỏng.
Rừng bị tàn phá nặng nề do thiên tai và khai thác quá mức của con người. Ngoài ra, hệ thống đập - hồ chứa trên lưu vực cũng làm thay đổi lớn lượng tải, phân bố nước và trầm tích đưa ra biển.
Sự mất đi một lượng lớn nước ngọt, trầm tích và dinh dưỡng do đắp đập ngăn sông đã gây ra những tác động lớn cho vùng ven biển như xói lở, xâm nhập mặn, thay đổi chế độ thủy văn, mất nơi cư trú và bãi giống, bãi đẻ của sinh vật, suy giảm sức sản xuất của vùng biển ven bờ, gây thiệt hại về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản đánh bắt và nuôi trồng.
Việt Nam có trên 650 đập - hồ chứa cỡ lớn, vừa và hơn 3.500 đập - hồ chứa cỡ nhỏ, tổng sức chứa các đập - hồ thuỷ điện trên hệ thống sông Hồng bằng 20% tổng lượng dòng chảy năm của hệ thống này.
Trên thượng lưu sông Mê-kông, Trung Quốc đang phát triển mạnh các đập - hồ chứa, dự kiến đến năm 2010 có 8 đập - hồ chứa lớn với tổng dung tích trên 40km3 và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vùng ven biển Việt Nam.
Với diện tích nông nghiệp trên 7 triệu héc-ta (60% là lúa), hàng năm, một dư lượng đáng kể phân bón hoá học và hoá chất bảo vệ thực vật theo sông chảy ra gây ô nhiễm môi trường biển.
Dân số gia tăng, tốc độ đô thị hoá nhanh, hoạt động công nghiệp và giao thông đã phát thải một lượng lớn các chất thải, chủ yếu chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường vùng ven biển.
Hoạt động du lịch cũng gây áp lực lớn cho môi trường (chỉ riêng hoạt động này trong năm 2003 đã thải ra 32.273 tấn rác và 4.817.000m3 nước thải).
Thiên tai, thậm chí khả năng xuất hiện động đất và sóng thần, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển bền vững vùng biển. Mực nước dâng cao dẫn tới ngập lụt ven biển, nhiễm mặn, xói lở, sa bồi làm đảo lộn cân bằng tự nhiên và sinh thái. Xói lở bờ biển tăng cả về quy mô và tính chất nguy hiểm.
Có đến 397 đoạn bờ đã và đang bị xói lở với tổng chiều dài 920km, tốc độ phổ biến 5 - 10m/năm, cá biệt 30 - 50m/năm. Sa bồi là tai biến phổ biến, có tác động tiêu cực đến cảng biển.
Ở ven biển miền Trung, sa bồi làm lấp các cửa sông và đầm phá, làm các vực nước ven biển bị ngọt hoá, ảnh hưởng đến nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ, mất lối ra biển và gia tăng ngập lụt.
Như vậy, có thể thấy, sự phát triển kinh tế, dân số, diễn biến bất thường của khí hậu và thiên tai đã tác động lớn đến tài nguyên và môi trường biển. Vùng biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững.
Để phát triển bền vững cần có
Có sự đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển, hiện trạng và những biến động về tài nguyên và môi trường biển. Vì vậy, cần tiến hành điều tra, nghiên cứu có hệ thống về biển, xây dựng cơ sở dữ liệu và thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả điều tra, nghiên cứu mới.
Tiến hành định kỳ các hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường biển. Xây dựng các trạm cảnh báo thiên tai (động đất, sóng thần, núi lửa, nước dâng, ngập lụt, sa bồi, xói lở, xâm nhập mặn, tràn dầu, hoá chất, thuỷ triều đỏ...).
Giám sát và đánh giá mức độ suy thoái của tài nguyên các hệ sinh thái biển. Quyết định (số 47/2006/QĐ-TTg ngày 1.3.2006) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn 2020” với danh mục 20 nhiệm vụ - đề án là một mốc quan trọng đối với công tác điều tra và nghiên cứu biển, thể hiện quyết tâm theo định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Xây dựng chiến lược và các chương trình, kế hoạch hành động, các dự án ưu tiên để kiểm soát ô nhiễm, ngăn ngừa suy thoái, phát triển tài nguyên, cảnh báo thiên tai và ngăn ngừa sự cố môi trường trên biển. Phát huy thế mạnh của nền kinh tế thị trường đối với khai thác tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng biển.
Xây dựng một hệ thống các cơ quan chuyên trách điều tra nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ về biển đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh - quốc phòng, đảm bảo bình đẳng trong hợp tác quốc tế song phương và đa phương trên vùng biển Việt Nam và trên biển Đông.
Phấn đấu xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ biển (đội tàu nghiên cứu, các trạm quan trắc môi trường và cảnh báo thiên tai, các phòng thí nghiệm trọng điểm và các cơ sở thực nghiệm).
Tăng tỷ lệ ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt cho phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đánh giá và phát hiện mới tài nguyên biển.
Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến trong khai thác tiềm năng và bảo vệ tài nguyên - môi trường biển: xây dựng công trình trên biển, dự báo, thăm dò khoáng sản và nguồn lợi nghề cá, ứng dụng công nghệ vệ tinh màu nước dự báo ngư trường, nuôi trồng thuỷ sản hiệu suất cao không gây ô nhiễm môi trường, giải quyết vấn đề nước ngọt cho vùng ven biển và các đảo xa bờ, phát triển các nguồn năng lượng sạch có nguồn gốc từ biển (gió, sóng, thuỷ triều, dòng chảy...)
Phát hiện và kịp thời xử lý các vụ vi phạm như vận chuyển và đổ thải trái phép các chất gây ô nhiễm, sử dụng các hình thức khai thác huỷ hoại tài nguyên, vi phạm trong các vùng bảo vệ nghiêm ngặt.
Gắn kết phát triển kinh tế với an ninh - quốc phòng và bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển, phối hợp tốt các tổ chức kinh tế và các cơ quan quản lý tài nguyên - môi trường với các tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển, cảnh sát biển, hải quân và bộ đội biên phòng.
Thực hiện đánh giá tác động môi trường và ưu tiên triển khai các dự án quản lý, bảo vệ tài nguyên - môi trường biển như xử lý các chất thải, phục hồi nơi sinh cư của các loài quý hiếm, đặc hữu và các hệ sinh thái đặc thù, ứng cứu các sự cố môi trường, đặc biệt là tràn dầu trên biển
Phát triển các mô hình quản lý tổng hợp biển và dải ven bờ, kết hợp với quản lý lưu vực thượng nguồn. Phát triển các khu bảo tồn biển như là một quốc sách phát triển bền vững. Quan tâm phát triển các dạng bảo tồn thiên nhiên khác như di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển và khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia.
Giáo dục, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên - môi trường, hướng tới phát triển bền vững vùng biển. Xây dựng ý thức mới “bảo vệ tài nguyên - môi trường biển là trách nhiệm, là hành động yêu nước của mỗi người”. Hỗ trợ và quan tâm xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư trên đảo và ven biển.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong điều kiện toàn cầu hoá để hội nhập và thực thi các công ước quốc tế liên quan đến biển. Tham gia các tổ chức, các hoạt động trong các mạng lưới quốc tế về biển, tạo điều kiện để giao lưu, nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và cập nhập thông tin khoa học và công nghệ về biển. Ưu tiên các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ cao để tiếp cận trình độ khu vực.
Phương Minh
Theo bienphongvietnam.vn
Read more ...

Nguồn lương thực sẽ ra sao khi khí hậu biến đổi?

 Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh khả năng biến đổi khí hậu toàn cầu làm cắt giảm các nguồn cung cấp lương thực. Tuy nhiên phần lớn những nghiên cứu này đã bỏ qua các tương tác giữa gia tăng nhiệt độ và ô nhiễm không khí – đặc biệt là ô nhiễm ozone, được biết là gây thiệt hại cho mùa màng.
Một nghiên cứu mới bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ MIT (Viện công nghệ Massachusetts - Massachusetts Institute of Technology) đã chứng minh những mối tương tác nói trên có thể khá quan trọng, cho thấy những người làm chính sách cần đưa cả hai yếu tố: ấm lên toàn cầu và ô nhiễm không khí vào để tính toán khi tìm cách giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Nghiên cứu này đã xem xét chi tiết sản lượng toàn cầu của 4 loại cây lương thực hàng đầu gồm: lúa gạo, lúa mì, ngô và đậu tương – chiếm hơn một nửa lượng calo tiêu thụ của con người trên toàn cầu. Nghiên cứu dự đoán các ảnh hưởng sẽ thay đổi rất đáng kể giữa các vùng khác nhau, và một số loại cây lương thực bị tác động mạnh hơn so với loại cây lương thực khác hoặc bị tác động mạnh hơn bởi các yếu tố khác: Ví dụ, lúa mì rất nhạy cảm với tiếp xúc ozone, trong khi đó ngô lại bị tác động bất lợi nhiều hơn do nhiệt độ.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Colette Heald, một giáo sư về Kỹ thuật môi trường và dân dụng (civil and environmental engineering (CEE)) tại MIT, cựu tiến sĩ Amos Tai của CEE và Maria van Martin tại trường đại học bang Colorado. Nghiên cứu của họ đã được mô tả trên tạp chí Nature Climate Change.
Heald giải thích rằng, trong khi chúng ta đều đã biết cả nhiệt độ cao hơn và ô nhiễm ozone có thể gây đe dọa tới các cây trồng và làm giảm sản lượng mùa vụ“không ai đã xem xét cả hai yếu tố này cùng lúc”. Và trong khi nhiệt độ tăng được thảo luận rộng rãi thì tác động của chất lượng không khí tới mùa màng ít được công nhận hơn.
Nghiên cứu nói trên dự đoán rằng các tác động có thể khác nhau theo vùng. Tại Mỹ, quy định về chất lượng không khí chặt chẽ hơn dự đoán sẽ dẫn tới một sự giảm rõ nét trong ô nhiễm ozone, giảm nhẹ tác động của ô nhiễm ozone tới mùa vụ. Nhưng tại các khu vực khác, hậu quả “sẽ phụ thuộc vào các chính sách ô nhiễm không khí nội bộ”, Heald nói. “Sự làm sạch không khí có thể cải thiện sản lượng mùa màng”.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nguồn cung lương thực
Nghiên cứu đã phát hiện thấy, nhìn chung, cùng với những nhân tố tương đương khác, ấm lên toàn cầu có thể làm giảm năng suất mùa vụ trên toàn cầu khoảng 10% vào năm 2050. Tuy nhiên các ảnh hưởng của ô nhiễm ozone là phức tạp hơn – một số loại cây lương thực bị tác động mạnh bởi ô nhiễm ozone hơn so với những loại cây lương thực khác – điều này cho thấy các đánh giá về kiểm soát ô nhiễm đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các hậu quả.
Ô nhiễm ozone cũng có thể rất khó để xác định, Heald nói, vì những thiệt hại do nó gây ra có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các bệnh tật khác trên cây trồng, gây ra những đốm trên lá và bạc màu lá.
Giảm tiềm năng năng suất của mùa vụ là rất đáng lo ngại. Nhu cầu lương thực của toàn cầu được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, các tác giả cho biết, đó là do gia tăng dân số và xu hướng thay đổi chế độ ăn uống trong thế giới đang phát triển. Vì vậy bất cứ sự suy giảm sản lượng nào cũng là đối ngịch với nhu cầu chung của con người là tăng năng suất thông qua chọn giống cây trồng, cải thiện phương pháp canh tác cũng như mở rộng đất canh tác nông nghiệp.
Trong khi nhiệt độ và ozone, mỗi nhân tố đều đe dọa tới cây trồng một cách độc lập thì hai nhân tố này cũng tương tác với nhau. Ví dụ, nhiệt độ cao hơn gây tăng sản sinh ozone do các phản ứng của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và các oxit nitơ dưới ánh sáng mặt trời. Vì những tương tác này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 46% thiệt hại tới năng suất đậu tương đã xảy ra trước đây là do đóng góp của nhiệt độ, thực chất lại là do gia tăng ozone.
Theo một số kịch bản, các nhà nghiên cứu nhận thấy các biện pháp kiểm soát ô nhiễm có thể tạo ra một vết lõm lớn trong suy giảm năng xuất dự báo do biến đổi khí hậu. Ví dụ, trong khi sản lượng lương thực toàn cầu được dự đoán giảm xuống 15% trong một kịch bản, trong một kịch bản thay thế, tỷ lệ này là 9% khi giảm mức phát thải xuống thấp hơn.
Ô nhiễm không khí thậm chí còn quan trọng hơn khi thể hiện tình trạng suy dinh dưỡng trong thế giới đang phát triển, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy: Theo kịch bản chất lượng không khí xấu hơn, tỷ lệ suy dinh dưỡng có thể tăng 18 -27% vào năm 2050; trong khi đó theo một kịch bản lạc quan hơn thì tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn sẽ tăng, nhưng mức độ tăng chỉ bằng một nửa so với kịch bản trước đó.
Sản xuất nông nghiệp là “rất nhạy cảm với ô nhiễm ozone”, Heald cho biết thêm, những phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của việc suy nghĩ về các tác động tới nông nghiệp của các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng không khí. Chúng ta đã hiểu ozone là một nguyên nhân gây giảm sản lượng lương thực, và bước tiếp theo cần phải thực hiện để cải thiện chất lượng không khí.
Denise L. Mauzerall, giáo sư kỹ thuật môi trường và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton, người không tham gia vào nghiên cứu này, nói: "Một phát hiện quan trọng, đó làsự kiểm soát mức độ ô nhiễm không khí có thể giúp cải thiện sản lượng lương thực và cải thiện các tác động tiêu cực giúp bù đắp một phần thiệt hại về sản lượng do biến đổi khí hậu gây ra, do đó, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch không phát thải hoặc ít phát thải ra khí nhà kính, các chất gây ô nhiễm không khí phổ biến, ví dụ như sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, sẽ có lợi gấp đôi cho an ninh lương thực toàn cầu, khi chúng không góp phần làm tăng biến đổi khí hậu hoặc làm tăng nồng độ ozone bề mặt".
Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia, Công viên quốc gia, và tổ chức Croucher Foundation.
 Phạm Thị Bích Thu (Sciencedaily)
Theo khoahoc.com
Read more ...

Ngắm cánh đồng hoa oải hương rực rỡ của Pháp

Một chuyến đi đến vùng Luberon là một lần tận hưởng một bữa tiệc hấp dẫn cho các giác quan: ngắm vẻ đẹp của sắc hoa, ngửi mùi thơm nồng nàn và thưởng thức hương vị độc đáo của món ăn được chế biến từ hoa oải hương. Đến những ngôi làng yên tĩnh ở Luberon (vùng Provence nước Pháp), người ta có thể hít thở không khí trong lành của miền quê nông thôn thanh bình vào mọi thời điểm trong năm. Hơi thở cuộc sống bắt đầu đi từ những khu chợ, cửa hàng cung cấp thảo mộc và mật ong địa phương, đến từng ngõ ngách trong làng và ra đến tận những cánh đồng oải hương. Một chuyến đi đến vùng Luberon là một lần tận hưởng một bữa tiệc hấp dẫn cho các giác quan: ngắm vẻ đẹp của sắc hoa, ngửi mùi thơm nồng nàn và thưởng thức hương vị độc đáo của món ăn được chế biến từ hoa oải hương. Hơn nữa, Luberon là một góc của nước Pháp cổ kính, nơi mà truyền thống cổ xưa vẫn tồn tại và bạn sẽ tìm thấy vẻ đẹp thanh bình tại những ngôi làng 1.000 năm tuổi trong kì nghỉ ở vùng nông thôn. Ở đây, cảm giác hối hả, tấp nập đến nghẹt thở của phố thị xa hoa, hào nhoáng như ngưng lại và người ta chỉ còn đón nhận cuộc sống êm ả diễn ra với một tốc độ chậm chạp hơn.
Toàn cảnh công viên tự nhiên của Luberon. 

Khu vực công viên tự nhiên của Luberon cũng thật quyến rũ. Khu vực này gồm vài thị trấn với những khách sạn nông thôn mộc mạc, tinh tế và nhiều ngôi làng nhỏ đẹp như tranh vẽ nằm trên sườn đồi, với những cánh đồng hoa oải hương bên dưới đương vào vụ mùa. Trong chuyến tham Luberon, bạn nên dừng chân ở ngôi làng Roussillon, nơi đây nổi tiếng với những vách đá màu đỏ, màu vàng và cảnh quan thiên nhiên xung quanh thật ngoạn mục. Bạn cũng có thể thăm ngôi làng Gordes được xây dựng bằng đá khô, nổi tiếng là một trong những ngôi làng đẹp nhất ở Pháp.

Toàn cảnh ngôi làng Roussillon.


Toàn cảnh ngôi làng Gordes.

 Cách du ngoạn mà nhiều người thường chọn khi đến Luberon là đi bộ hay đạp xe đường dài trong vùng hoang dã, qua một trong số những ngôi làng đẹp nhất của Luberon, dưới ánh nắng mặt trời của buổi ban trưa giữa những cánh đồng hoa oải hương rực rỡ . Đất màu nâu vàng nhạt ở ngôi làng Roussillon không chỉ thích hợp cho những vườn nho trĩu quả, những vườn cây ăn trái xum xuê với một màu xanh bạt ngàn, mà còn là vùng đất màu mỡ cho những cánh đồng oải hương gần đó mọc tươi tốt. Luberon thật sự mang lại cho du khách một bảng màu hoàn hảo. Độ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8, những cánh đồng hoa oải hương đồng loạt khoác lên mình chiếc áo màu tím biếc. Khi vào mùa, hoa oải hương sẽ trở thành nhân vật chính phô diễn sắc màu, chiếm lĩnh cảnh quan nơi đây. Hương thơm nồng của oải hương tỏa ra mạnh nhất là giữa những tháng mùa hè. Đây cũng là thời điểm mà người dân thu hoạch hoa, thường bằng máy móc chuyên dụng và đôi khi là bằng tay.


Cánh đồng oải hương nằm dưới ngọn đồi. 

Vào thế kỉ thứ 16 và 17, người Hy Lạp và La Mã sử ​​dụng oải hương làm hương liệu khi tắm, và cái tên hoa oải hương - lavende (tiếng Pháp) cũng bắt nguồn từ tiếng Latin "lavare" có nghĩa là tắm. Vào thời điểm xà phòng còn là một thứ xa xỉ, chỉ dành cho tầng lớp quý tộc, thì những người dân bình thường đã tắm trong làn nước thơm ngát được thêm vào hoa oải hương mọc hoang dại ở bất cứ khu vườn nào gần đó. Provence có sẵn nhiều sản phẩm được làm từ hoa oải hương nổi tiếng thế giới mang thương hiệu của vùng. Công dụng của oải hương không chỉ dừng lại ở những sản phẩm làm đẹp cho phái yếu, mà còn là một thần dược chữa bệnh đau nửa đầu và là nguyên liệu chế biến thực phẩm phổ biến.


Khu chợ bày bán sản phẩm của vùng.


Hoa oải hương khô được bày bán tại khu chợ. 

Những âm thanh của tiếng bước chân trên con đường rải sỏi, mùi thơm của thực phẩm phát ra từ khu chợ mà thực phẩm đến từ khắp nơi trên thế giới, các thư viện cũ, cửa hàng đồ cổ, nhà hàng truyền thống phục vụ các món ăn ngon với hương vị đặc trưng của vùng luôn luôn hấp dẫn du khách. Nhất là các loại thảo mộc đến từ mọi miền đất nước Pháp, trong đó có hoa oải hương... Tất cả làm nên một bức tranh cuộc sống bình dị và thôn dã nơi đây.

 Hình ảnh những cánh đồng oải hương ở Luberon:


Cánh đồng oải hương khi chưa vào mùa.

Cánh đồng oải hương vào mùa hè là ngoạn mục nhất.

Thu hoạch oải hương bằng tay.
Theo Infornet/Zing News
Read more ...

Ô nhiễm không khí ban đêm đang có xu hướng tăng

Nhìn vào các số liệu quan trắc có thể thấy, vào ban đêm, không khí có biểu hiện bị ô nhiễm nhưng chưa vượt mức cho phép. Có điều, nếu so sánh thời điểm này với thời điểm cách đây 5 - 7 năm, ô nhiễm ban ngày và ban đêm đang có xu hướng tăng.Không loại trừ khả năng sẽ vượt mức cho phép.
ThS Bùi Hoài Thanh, trưởng phòng Môi trường, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, nhìn vào các số liệu quan trắc có thể thấy, vào ban đêm, không khí có biểu hiện bị ô nhiễm nhưng chưa vượt mức cho phép. Cụ thể, theo quy chuẩn trung bình TSP là 300mg/m3/h và 200mg/m3/24h; PM10 là 150mg/m3/24h (PM 10 không có tiêu chuẩn theo giờ).
Với quy chuẩn này, đối với PM10, không chỉ ban đêm, mà ngay cả ban ngày cũng không vượt quá ngưỡng cho phép ví dụ ngày 23/11 là 83mg/m3, ngày 6/11 là 123mg/m3. Cũng có những ngày vượt lên như ngày 18/11 là 195. Tuy nhiên, những ngày vượt không nhiều.
Không khí ban đêm có biểu hiện bị ô nhiễm

Đối với TSP, nếu tính theo ngày, hầu hết đều vượt ví dụ ngày 23/11 là 237mg/m3, ngày 18/11 là 241... Tuy nhiên, nếu so từng giờ, các giờ vào ban đêm TSP cũng chưa vượt mức cho phép, các giờ chủ yếu trong đêm chỉ ở khoảng dưới 200 (quy chuẩn là 300mg/m3/h). Theo ThS Bùi Xuân Thanh, cho tới thời điểm này, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về chất lượng không khí ban đêm. Tuy nhiên, các kết quả quan trắc cho thấy, không khí ban đêm có biểu hiện bị ô nhiễm nhưng chưa vượt ngưỡng cho phép. Có điều, nếu so sánh thời điểm này với thời điểm cách đây 5 - 7 năm thì thấy ô nhiễm ban ngày và ban đêm có xu hướng tăng hơn. Hiện tại thì chưa đáng lo ngại. Nhưng với tốc độ như hiện nay, trong tương lai cũng không loại trừ khả năng sẽ vượt mức cho phép. Quan trắc chỉ là một góc của ô nhiễm Từ các số liệu quan trắc không khí có được, chúng tôi trở lại tìm hiểu quy trình lấy mẫu khí và thu thập kết quả đo của Trạm quan trắc Láng (Hà Nội). Trạm được đặt giữa khu dân cư, ít khói bụi, nhưng con số bụi đo được tại thời điểm chúng tôi đến cũng không hề nhỏ. Chị nhân viên quan trắc Nguyễn Lan Hương cho biết, những thông số hiện lên trên chiếc máy quan trắc vào ngày 3/12 như sau: Vào lúc 14h51 phút, thì độ ẩm chỉ có 47%. Đây là độ ẩm khá thấp do đang là thời điểm giữa mùa đông. TSP lúc này là 144, PM10 là 41, trong khi theo quan sát của chúng tôi tại đây thời tiết đẹp, xung quanh trạm nhiều cây xanh và gần như không nhìn thấy bụi. Trên bảng chỉ thị, hàm lượng SO2 là 672 (trong khi tiêu chuẩn là 350). Tuy nhiên, đây chỉ là giá trị tức thời, cập nhật mỗi phút và sẽ được tổng hợp vào cuối giờ và cuối ngày... Những số liệu đo được này sẽ được tập hợp đóng quyển lưu trữ và chuyển về trung tâm phân tích. Với những thời điểm chỉ số không liên tục, nhân viên sẽ phải dựa vào các số liệu trước và sau đó để ước lượng những con số gần đúng nhất. Theo ông Nguyễn Nhật Anh, tổ Môi trường không khí, phòng Môi trường, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng và Thủy văn Môi trường, nếu đặt máy đo ở các địa điểm khác như những cung đường có lưu lượng giao thông lớn, nơi có nhiều công trình xây dựng, nhà máy xí nghiệp chế biến... thì chắc chắn con số đo được sẽ vượt ngưỡng. Bụi PM10 không thay đổi giá trị của nhiều lần đo do khả năng phát tán lớn. Nhiều khi nhà đóng kín cửa mà bụi này vẫn cứ nhiều. Bụi đêm ta không nhìn thấy nhiều nhưng thực tế thì cũng vẫn nguy hiểm và đe dọa sức khoẻ nếu phải tiếp xúc ngoài môi trường nhiều.
Theo khoahoc.com
Read more ...

Chất thải rắn kẻ thù của sức khỏe con người

Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm, gây dịch nguy hiểm do môi trường đang ô nhiễm cả đất, nước và không khí...Thông điệp đưa ra tại diễn đàn quốc gia về sức khỏe môi trường do tổ chức y tế thế giới WHO phối hợp cùng bộ tài nguyên môi trường (TN&MT) và bộ y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11. Nhiều tham luận đề ra các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường tới cộng đồng. Cục y tế dự phòng Viet Nam đưa ra khuyến cáo, ô nhiễm môi trường nước ta đã gia tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp rác...
Chât thải rắn đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là bãi chôn lấp rác
(Anh: Le Anh Dung) 
 Theo đánh giá của chuyên gia, trong các loại chất thải nguy hại (Chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế) là mối hiểm họa đặc biệt. Chất thải rắn đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng  đồng nhất là dối với khu vực làng nghề, gần khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải và vùng nông thôn ô nhiễm chất thải đã đến mức báo động. Nhiều bệnh như đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn.,.do chất thaei rắn gây ra. Thống kê cho thấy, nguồn phát sinh hất thải rắn tập trung chủ yếu ở đô thị lớn như Hf Nội, TP.HCM, tại các đô thị này tuy chỉ chiếm 26% dân sô cả nước nhưng lại phát sinh hơn 6 triệu tấn chất thải mỗi năm, chiếm gần 50% tổng lượng chất thải sinh hoạt cả nước. Bên cạnh đó tình trạng ô nhiễmmôi tường nước đất không khí ngày càng làm cho số bệnh nhân có liên quan tới nước sạch và vệ sinh môi trường ngày càng cao. Ngoài ra, một trong những tác động lên môi trường và sức khỏe cộng đồng là việc lạm dụng các sản phẩm hóa học...Bộ TN&MT đề nghị cần sớm xây dựng và phát triển hệ thống giám sát, đánh giá và thống kê ảnh hưởng xấu của các yếu tố môi trường của người dân. Đặc biệt ưu tiên xử lý các hóa chất độc hại, bảo vệ nguồn nước ngầm và nước uống, tổ chức kiemer tra sức khỏe định kỳ cho dân sống tại vùng chịu ảnh hưởng của ô nhiễm và suy thoái môi trường.
 Kiều Minh
Theo vietbao.vn
Read more ...

Đốn cây xanh để xấy nhà ga trung tâm Bến Thành

Bứng, đốn thêm 57 cây xanh để xây nhà ga trung tâm Bến Thành TT - Khi nhà ga trung tâm Bến Thành (từ công viên 23-9 đến chợ Bến Thành, Q.1) - một trong ba nhà ga ngầm khu vực trung tâm TP.HCM - được khởi công sẽ có 57 cây xanh bị bứng, đốn.
Mảng xanh tại công viên 23-9 trước chợ Bến Thành, nơi dự kiến xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành 

Ngoài 51 cây xanh đã bị bứng, đốn để làm nhà ga trước Nhà hát TP, khi nhà ga trung tâm Bến Thành (từ công viên 23-9 đến chợ Bến Thành, Q.1) - một trong ba nhà ga ngầm khu vực trung tâm TP.HCM - được khởi công sẽ có 57 cây xanh bị bứng, đốn. Theo ông Lê Khắc Huỳnh - phó thường trực Ban quản lý đường sắt đô thị TP, hiện dự án đang chờ Bộ Giao thông vận tải phê duyệt thiết kế cơ sở, dự kiến khởi công trong năm 2015. Ông Nguyễn Văn Dung, phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1- đơn vị được giao trách nhiệm quản lý cây xanh khu vực trung tâm TP, cho biết 57 cây xanh nói trên (18 cây loại 1 - đường kính gốc 10-20cm, cao dưới 6m và 39 cây loại 2 - đường kính gốc 30-70cm, cao 6-12m) gồm các loại như dầu, sao đen, bò cạp... Có giải pháp nào hạn chế đến mức thấp nhất cây xanh bị đốn hạ và thay vì đốn hạ có thể bứng dưỡng trong điều kiện thiếu mảng xanh như hiện nay? Chúng tôi tiếp tục chuyển câu hỏi này của nhiều bạn đọc đến người có trách nhiệm. Ông Nguyễn Văn Dung cho rằng ông thấu hiểu sự tiếc nuối của người dân TP vì: “Để xây dựng tòa nhà vài chục tầng có thể mất vài năm nhưng để trồng những cây cổ thụ mang tính biểu tượng của TP như vậy mất cả trăm năm”. Tuy nhiên, theo ông Dung, vì mục tiêu phát triển hiện đại giao thông TP nên phải có sự đánh đổi. Đối với dự án xây nhà ga trung tâm Bến Thành, ông Dung cho biết kế hoạch chung là vậy nhưng còn phụ thuộc nhiều vào việc xác định vị trí làm tường vây. Khi đó, lực lượng quản lý cây xanh phải ra trực tiếp hiện trường để đánh giá loại cây nào có thể bứng dưỡng được, cây nào bắt buộc phải đốn hạ, chứ hiện nay chưa xác định được cây nào phải đốn, cây nào phải bứng... Cũng theo ông Dung, đối với những cây xanh quá cao lớn, nằm sát công trình, hoặc bên trong vị trí tường vây bắt buộc phải đốn hạ. Vì đối với những cây cao lớn, rễ ăn sâu, xuyên qua các công trình ngầm khác như cáp điện, viễn thông... việc bứng dưỡng phải đào một khu vực rất rộng, sâu nhưng chưa chắc lấy được đầy đủ bộ rễ để đảm bảo cây có thể sống được sau này. “Nhưng trên tinh thần chúng tôi luôn xem xét mọi khả năng để bứng dưỡng cây xanh và hạn chế việc đốn hạ” - ông Dung cho biết. Theo ông Lê Khắc Huỳnh, sau khi các nhà ga được thi công hoàn tất, tùy theo thiết kế được phê duyệt, nguồn vốn... khu vực có cây xanh bị bứng, đốn sẽ được trồng lại mảng xanh phù hợp. Xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành Theo ông Lê Khắc Huỳnh, công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1) nằm ở vị trí phía trước chợ Bến Thành (khu vực vòng xoay Quách Thị Trang) và nối dài đến công viên 23-9, được xây dựng ở độ sâu khoảng 40m dưới lòng đất. Nhà ga này là một hạng mục của gói thầu số 1a thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Q.9). Theo thiết kế, công trình nhà ga Bến Thành của tuyến metro số 1 sẽ chừa sẵn chỗ để sau này kết nối với các tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương, Q.12), tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên, H.Bình Chánh) và tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân, Q.12 - Hiệp Phước, H.Nhà Bè). Như vậy, nhà ga có bốn tuyến metro hoạt động bảo đảm phục vụ hành khách đi lại trên các tuyến đường từ khu trung tâm đến các cửa ngõ TP. Nhà ga metro Bến Thành được xây dựng và lắp đặt các thiết bị có công nghệ hiện đại như các nước tiên tiến phục vụ hành khách đi lại. Đồng thời cùng với việc phục vụ hành khách đi metro, nhà ga còn tận dụng không gian ngầm làm trung tâm thương mại nhằm mang tới các dịch vụ tiện nghi cho hành khách đi mua sắm. Nhà ga nằm ở khu vực trung tâm TP nên các cửa lên, xuống nhà ga sẽ kết nối với các khu thương mại dịch vụ ở các khu vực xung quanh như chợ Bến Thành, khách sạn và các trung tâm mua sắm trên các tuyến đường lân cận. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, đơn vị đang hoàn chỉnh thiết kế gói thầu số 1a xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành và tuyến metro ngầm kết nối đến nhà ga Nhà hát TP. Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết dự kiến cuối năm nay sẽ làm công tác sơ tuyển nhà thầu, trong năm 2015 triển khai thi công và dự kiến hoàn thành công trình vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.


QUANG KHẢI - N.ẨN - Theo yahoo News
Read more ...

Lốc xoáy tàn phá hơn trăm căn nhà ở Cần Thơ

Sáng 30/7, lốc xoáy bất ngờ xuất hiện trong cơn mưa nhỏ ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) khiến 5 người bị thương, 147 căn nhà hư hại. Ông Trần Văn Tranh, Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Đỏ cho biết, lốc xoáy làm sập 56 căn nhà, 91 căn tốc mái; quật ngã 40 trụ điện và làm 5 người bị thương do cây đè trúng.

Lốc xoáy tàn phá nhà dân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ sáng 30/7. Ảnh: Trà Giang

 Người dân cho hay, lốc xoáy xuất hiện trong cơn mưa nhỏ lúc 7h10. Khi đó nhiều người chuẩn bị đi làm thì nghe tiếng gió hú từ xa, sau đó cuốn phăng các mái nhà. "Vợ chồng tôi cùng hai con chạy ra đường thì căn nhà sập xuống mà không kịp lấy theo thứ gì. Thế cũng còn may vì nếu chậm chân vài giây có lẽ còn bị tường đè", ông Nguyễn Thanh Sơn ở ấp Thới Thuận kể. Sau thiên tai, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 9 xuống Cờ Đỏ cùng chính quyền địa phương giúp dân dọn dẹp hiện trường, thống kê thiệt hại, dựng lại nhà cửa hư hỏng.

Trà Giang - Theo yahoo news
Read more ...

Môi trường Việt Nam ngày càng ô nhiễm trầm trọng

Tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại các giống loài, ảnh hưởng xấu sức khoẻ con người là cái giá phải trả cho quá trình tự do hóa thương mại mới được tiến hành chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây ở nước ta.

Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, với 59 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường, Việt Nam đứng ở vị trí 85/163 các nước được xếp hạng. Các nước khác trong khu vực như Philippines đạt 66 điểm, Thái Lan 62 điểm, Lào 60 điểm, Trung Quốc 49 điểm, Indonesia 45 điểm,... Còn theo kết quả nghiên cứu khác vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp và ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe.
Hiện trạng môi trường Việt Nam và những lời báo động - Ảnh 1
Mới đây, hai trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc Đại học Yale và Columbia của Mỹ thực hiện báo cáo thường niên khảo sát ở 132 quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123/132 quốc gia khảo sát; về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe đứng vị trí 77; về chất lượng nước Việt Nam được xếp hạng 80. Tính theo chỉ số chung EPI, Việt Nam xếp thứ 79. Đó là những đánh giá chung, còn nếu xem xét cụ thể trên từng khía cạnh thì sẽ càng thấy rõ hơn bức tranh chung của môi trường Việt Nam hiện nay.
Rừng tiếp tục bị thu hẹp
Trước năm 1945, nước ta có 14 triệu ha rừng, chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước, năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha (chiếm 29%), đến nay chỉ còn khoảng 6,5 triệu ha (tương đương 19,7%). Độ che phủ của rừng nước ta đã giảm sút đến mức báo động. Chất lượng rừng ở các vùng còn rừng bị hạ xuống mức quá thấp. Trên thực tế chỉ còn khoảng 10% là rừng nguyên sinh.
40 năm trước đây, 400.000 ha đất ven biển nước ta được bao phủ bởi rừng ngập mặn, nhưng chỉ trong 5 năm, 2006 - 2011, 124.000 ha rừng ngập mặn ven biển đã biến mất để nhường chỗ cho các ao tôm, ao cá - tương đương diện tích bị mất trong 63 năm trước đó. Rừng ngập mặn trưởng thành rộng lớn ở vùng châu thổ sông Hồng hầu như đã bị tàn phá. Hệ lụy kéo theo là sự giảm sút mạnh của năng suất nuôi trồng thủy sản ven biển và sự mất cân bằng môi trường sinh thái.
Số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy đến hết năm 2012 có hơn 20.000 ha rừng tự nhiên bị phá để sử dụng vào nhiều mục đích, nhiều nhất là để làm thủy điện, nhưng chỉ mới trồng bù được hơn 700 ha.
Đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Thế giới thừa nhận Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới. Với các điều tra đã công bố, Việt Nam có 21.000 loài động vật, 16.000 loài thực vật, bao gồm nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tổ chức vi sinh vật học châu Á thừa nhận Việt Nam có không ít loài vi sinh vật mới đối với thế giới.
Thế nhưng, trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong. Và, mặc dù có vẻ nghịch lý nhưng có một thực tế là các trang trại gây nuôi động vật hoang dã như nuôi những loài rắn, rùa, cá sấu, khỉ và các loài quý hiếm khác vì mục đích thương mại ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á lại không hề làm giảm bớt tình trạng săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên, mà thậm chí còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi những trang trại này đã liên quan tới các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Tiến sĩ Elizabeth L. Bennett, Giám đốc Chương trình Giám sát nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, cho biết: “Thay vì hoạt động nhằm mục đích bảo tồn, các trang trại gây nuôi động vật hoang dã lại vì mục đích thương mại nên trên thực tế trở thành mối đe dọa với các loài động vật hoang dã trong tự nhiên. Các phân tích từ những báo cáo cho thấy tác động tiêu cực của các trang trại này lớn hơn rất nhiều so với những ích lợi mà chúng có thể đem lại”. Thậm chí, những trang trại gây nuôi các loài sinh trưởng nhanh với tỷ lệ sinh sản cao cũng tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn vì những trang trại này liên tục nhập khẩu các loài động vật có nguồn gốc tự nhiên.
Hơn 100 loài sinh vật ngoại lai đang hiện diện tại nước ta cũng là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái, như: ốc bươu vàng, cây mai dương, bọ cánh cứng hại dừa, đặc biệt là việc nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ - một loài đã được quốc tế cảnh báo là một trong những loài xâm hại nguy hiểm.
Ô nhiễm sông ngòi
Với những dòng sông ở các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng bị ô nhiễm nặng nề là điều dễ dàng nhận thấy qua thực tế, cũng như qua sự phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, sông ở nhiều vùng nông thôn cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, rác thải nông nghiệp và rác thải từ các khu công nghiệp vẫn đang từng ngày, từng giờ đổ xuống.
Các dòng sông đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề nhất là: sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Đồng Nai và hệ thống sông Tiền và sông Hậu ở Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Những con sông này đã trở nên độc hại, làm hủy hoại nguồn thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống, sức khoẻ của cộng đồng.
Bãi rác công nghệ và chất thải
Hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam là chủ sở hữu của hơn một nghìn con tàu biển trọng tải lớn, cũ nát. Hầu hết các cảng biển trên thế giới đều không cho phép loại tàu này vào, vì nó quá cũ gây ô nhiễm môi trường lại không bảo đảm an toàn hàng hải. Thế nhưng, hơn một nghìn con tàu cũ nát đó vẫn đang được neo vật vờ ở các tuyến sông, cửa biển để chờ được “hóa kiếp” thành phế liệu mà việc phá dỡ loại tàu biển cũ này sẽ thải ra rác thải nguy hại làm ô nhiễm môi trường sống.
Nhiều dự án luyện, cán thép lớn đã, đang và sẽ xuất hiện, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thép lớn, song đồng thời cũng có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung “rác” công nghệ và chất thải. Bài học “xương máu” này đã từng xảy ra với ngành sản xuất xi măng, song vẫn có khả năng lặp lại nếu những dây chuyền luyện gang, thép bị loại bỏ ở Trung Quốc được đưa về lắp đặt ở Việt Nam.
Ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp
Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt và chăn nuôi đang có xu hướng gia tăng, trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao. Trong đó, lo ngại nhất là chất thải từ chăn nuôi. Hiện cả nước có 16.700 trang trại chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (45%) và Đông Nam Bộ (13%), với tổng đàn gia súc 37,8 triệu con và trên 214 triệu con gia cầm. Theo tính toán của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lượng phân thải của bò khoảng 10 - 15 kg/con/ngày, trâu là 15 - 20 kg/con/ngày, lợn là 2,5 - 3,5 kg/con/ngày và gia cầm là 90 gr/con/ngày. Như vậy, tính ra tổng khối lượng chất thải trong chăn nuôi của nước ta hiện khoảng hơn 73 triệu tấn/năm.
Nuôi trồng thủy sản cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Việc đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, tăng năng suất tại các vùng nuôi tôm tập trung, trong đó chủ yếu là tôm sú đã làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước. Cùng với đó, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt một cách tràn lan, không có kiểm soát đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng, quá hạn sử dụng còn tồn đọng cần tiêu hủy là hơn 700 kg (dạng rắn) và hơn 3.400 lít (dạng lỏng).
Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy, khu vực nông thôn thải ra khoảng 10 triệu tấn/năm chất thải rắn sinh hoạt, nhưng đến năm 2010 tăng lên tới 13,5 triệu tấn/năm. Số rác thải này cộng với lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Ô nhiễm ở các làng nghề

Một khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều cho thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Riêng Hà Nội, khảo sát tại 40 xã cho kết quả khoảng 60% số xã bị ô nhiễm nặng từ các hoạt động sản xuất.
Ở các làng tái chế kim loại, khí độc không qua xử lý đã thải trực tiếp vào không khí như ở làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), nồng độ chì vượt quá 2.600 lần tiêu chuẩn cho phép. Nghề thuộc da, làm miến dong ở Hà Tây cũng thường xuyên thải ra các chất như bột, da, mỡ làm cho nước nhanh bị hôi thối, ô nhiễm nhiều dòng sông chảy qua làng nghề.
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động gần đây cho biết, trong các làng nghề, những bệnh mắc nhiều nhất là bệnh liên quan đến hô hấp như viêm họng chiếm 30,56%, viêm phế quản 25% hay đau dây thần kinh chiếm 9,72%. Tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, tỷ lệ người dân mắc bệnh về thần kinh chiếm khoảng 71%, bệnh về đường hô hấp chiếm khoảng 65,6% và bị chứng hồng cầu giảm chiếm 19,4%. Còn tại làng nghề sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang) tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da là 68,5% và các bệnh về đường ruột là 58,8%.
Khai thác khoáng sản
Cùng với nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu, nguồn tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất của nước ta đã bị khai thác khá mạnh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2009 - 2011, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 2,1 - 2,6 triệu tấn khoáng sản các loại (không kể than, dầu thô) với điểm đến chủ yếu là Trung Quốc, nhưng chỉ mang lại giá trị 130 - 230 triệu USD. Riêng năm 2012, lượng khoáng sản xuất khẩu vẫn gần 800.000 tấn thông qua đường chính ngạch. Nếu cộng cả số xuất lậu, xuất qua đường biên mậu, số lượng xuất khẩu còn lớn hơn nữa (vào năm 2008, chỉ riêng xuất lậu quặng ti-tan ước tính đã lên đến 200.000 tấn).
Và, hậu quả của ô nhiễm môi trường từ những hoạt động khai thác khoáng sản đã quá rõ ràng. Qua điều tra, cứ 4.000 người dân Quảng Ninh có 2.500 người mắc bệnh, chủ yếu là mắc bệnh bụi phổi, hen phế quản, tai mũi họng (80%). Kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn cho thấy nồng độ bụi ở khu vực Cẩm Phả vượt từ 3 - 4 lần tiêu chuẩn cho phép, gần 0,3 mg/m3 trong 24 giờ (gồm bụi lơ lửng, bụi Pb, Hg, SiO2, khí thải CO, CO2, NO2). Mỏ Đèo Nai phải xử lý lượng đổ thải chất cao thành núi trong mấy chục năm qua. Mỏ Cọc Sáu với biển nước thải sâu 200m chứa 5 triệu m3có nồng độ a-xít cao và độ PH 4 - 4,5mgđl/l sẽ phải tìm công nghệ phù hợp để xử lý.
Ô nhiễm không khí
Việt Nam cũng đang bị coi là nước có ô nhiễm không khí cao tới mức báo động.Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ chất ô nhiễm trong không khí khu vực ven đường giao thông, trong đó chủ yếu là CO tăng 1,44 lần và bụi PM10 (tức bụi có kích thước bé hơn 10μ) tăng 1,07 lần. Kênh rạch ở khu vực nội thành bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh ở mức độ cao. Phần lớn nước thải sinh hoạt chỉ mới được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại gia đình. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc nếu có trang bị thì không vận hành thường xuyên.
Ông Jacques Moussafir, công ty ARIA Technologies (Pháp) cho biết: Nếu không có biện pháp nào thì nồng độ phát thải bụi mỗi năm tại Hà Nội có thể đạt 200mg/m3 vào năm 2020, gấp 10 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Nếu tình huống này xảy ra thì số lượng người nhiễm bệnh do ô nhiễm không khí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp và mạn tính, hen suyễn, vấn đề tim mạch sẽ tăng gấp đôi, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người già.
Theo nguoiduatin.vn
Read more ...
Designed By VungTauZ.Com