Breaking News

Tin tức môi trường

TIn tức môi trường

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Triển khai xử lý rơm rạ theo công nghệ mới tại Hưng Yên.


Triển khai xử lý rơm rạ theo công nghệ mới tại Hưng Yên.
Thời gian qua, tình trạng đốt rơm rạ, tuốt lúa, phơi rơm trên các tuyến đường giao thông sau mỗi vụ gặt diễn ra phổ biến ở các địa phương, gây ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người và trật tự an toàn giao thông. Ðể góp phần giải quyết thực trạng này, thời gian qua đã có nhiều công trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý rơm rạ, tạo nên bước đột phá, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để sáng kiến này thành hiện thực, cần sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhất là sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của chính người dân. 

Mỗi mùa thu hoạch đến gần, lẫn trong niềm vui của bà con nông dân khi mùa màng bội thu là tâm trạng lo âu của các cơ quan quản lý, của người dân khi tình trạng đốt rơm rạ, phơi thóc lúa vẫn diễn ra tràn lan trên các tuyến đường giao thông. Ðây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Theo ước tính, mỗi sào ruộng phát sinh khoảng 5 đến 7 tạ rơm tươi (tương đương với 2 đến 3 tạ rơm khô). Việc đốt rơm, rạ đã gây những tác động tiêu cực đến môi trường không khí, làm gia tăng khói bụi, nhiệt độ; do nhiệt độ tăng và không tận dụng được chất hữu cơ đã làm thoái hóa đất, suy giảm đa dạng sinh học, hệ sinh vật đất. Môi trường ô nhiễm đã tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nhất là các bệnh liên quan đường hô hấp, mà các đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là người ốm, người già, trẻ em. Ðáng lưu ý, trong thành phần chất ô nhiễm do đốt rơm, rạ có một số hợp chất là chất dẫn xuất đi-ô-xin, lâu dài có thể gây bệnh ung thư. Thực tế đã có nhiều trường hợp tai nạn giao thông dẫn đến chết người do khói rơm, rạ gây nên. Nếu có dịp đi qua các cánh đồng về huyện Phúc Thọ, huyện Hoài Ðức, rồi đi dọc đại lộ Thăng Long, đường 32, nhất là vào thời điểm nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận thu hoạch lúa vào những ngày cuối tháng 5, rất dễ bắt gặp những cột lửa, cột khói mờ mịt, nóng bỏng tràn lan trên đồng ruộng, bên đường khiến bầu không khí đầy khói bụi, gây khó thở, giảm tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Nhằm giảm bớt tác hại của việc đốt rơm rạ, đồng thời giúp nông dân tiết kiệm được chi phí trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất phân bón từ rơm rạ tại ruộng bằng công nghệ vi sinh, xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. 

Tổng Giám đốc Tập đoàn Biogroup, Tiến sĩ Lê Văn Tri đã tiến hành nghiên cứu thành công việc sử dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ. So với các loại phân bón cùng loại, thì phân bón hữu cơ từ rơm rạ là loại phân bón có chất lượng cao, không chứa các tác nhân gây bệnh cho cây trồng. Ðồng thời, có tác dụng cải tạo và nâng cao độ phì nhiêu cho đất mà các loại phân vô cơ không có được, nhất là hàm lượng các chủng vi sinh vật có lợi rất cao như chủng phân giải hữu cơ, cố định đạm, phân giải lân. Theo tính toán, trong một tấn phân bón hữu cơ từ rơm, rạ có 10 kg đạm; 9,5 kg lân; và 21 kg ka-li. Cứ sử dụng một tấn phân bón hữu cơ từ rơm, rạ, người nông dân đã tiết kiệm được một lượng phân NPK tương đương gần 500 nghìn đồng. Sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ, còn tạo ra vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất lúa của nông dân. Ðây là công nghệ dễ phổ biến và dễ áp dụng vào thực tiễn và áp dụng rộng rãi. Hiện nay, Tiến sĩ Lê Văn Tri đang phối hợp nhiều địa phương như: Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế, Bạc Liêu... để chuyển giao công nghệ này. Theo Tiến sĩ Lê Văn Tri, việc sử dụng nguồn rơm rạ tại chỗ để sản xuất phân ủ hữu cơ vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế, giúp tận dụng nguồn thải dư thừa sau thu hoạch để sản xuất phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, việc làm này còn tăng năng suất cây trồng, cải tạo đất và mang lại một phần thu nhập cho người dân. Lợi ích mang từ những giải pháp xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ đã được công nhận. 

Tuy nhiên để các giải pháp trên có thể ứng dụng vào thực tiễn đời sống, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, rất cần có cơ chế, chính sách để ba nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp có thể phối hợp, chuyển giao công nghệ và mở rộng sản xuất nhằm tận thu các sản phẩm thừa trong sản xuất nông nghiệp quay lại phục vụ cuộc sống một cách hữu ích nhất, góp phần nâng cao thu nhập, giảm mức thấp nhất tác hại ô nhiễm môi trường. Thiết nghĩ, trước mắt chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về những tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường, sức khỏe và trật tự, an toàn giao thông. Ðồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng, tận dụng rơm rạ để làm nguyên liệu chế biến phân bón hữu cơ, phục vụ một cách hiệu quả và thiết thực nhất quá trình tái sản xuất trên chính mảnh ruộng của mình. KIM OANH "Ðể việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh được áp dụng rộng rãi, thì cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, chính quyền các địa phương cần vận động, tuyên truyền để tạo ra sự chuyển biến từ trong nhận thức của người nông dân". 

Tiến sĩ TRẦN ÐÌNH MẤN (Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học) "Việc sử dụng các chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR để xử lý rơm rạ thành phân ủ hữu cơ cần được triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. Cần tuyên truyền sâu rộng tới các hộ nông dân để thay đổi thói quen sử dụng phân bón hóa học trong canh tác, tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái đồng ruộng". Tiến sĩ LÊ VĂN TRI (Tổng Giám đốc Tập đoàn Biogroup) "Gia đình tôi đã thực hiện giải pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh từ vài năm nay. Giải pháp này đã giúp gia đình tôi tiết kiệm chi phí mua phân hóa học, cải tạo đất, bảo đảm sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường". NGUYỄN VĂN TIẾN (huyện Bình Giang, Hải Dương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Designed By VungTauZ.Com