Trên thực tế, tê tê đã trở thành loài động vật có vú bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới. Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đang đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ loài này ở châu Á và châu Phi, hai khu vực đang bùng phát nạn buôn lậu nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng của thị trường chợ đen ở khu vực châu Á.
Giới chuyên gia bảo tồn thiên nhiên cảnh báo sự tuyệt chủng của loài tê tê sẽ xóa sạch 80 triệu năm lịch sử tiến hóa của loài này.
Săn bắt trộm hơn 1 triệu con
Bắt giữ vụ vận chuyển 25 con tê tê
Sáng qua, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã kiểm tra, phát hiện xe khách Long Vân (chạy tuyến Gia Lai - Hà Nội) vận chuyển động vật hoang dã. Trong hầm đựng hàng của xe khách (đã được cải tạo) có chứa 25 con tê tê Java (tổng trọng lượng 20,5kg), 25 con rùa (tổng trọng lượng 25kg) - hai loài động vật hoang dã quý hiếm, bị nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển trái phép. Tài xế xe khách khai rằng số động vật trên được thuê chuyển từ Gia Lai ra Hà Nội.
(HÀ ĐỒNG)
|
IUCN cho biết hơn 1 triệu con tê tê đã bị săn trộm trong 10 năm qua. Hãng tin AFP dẫn lời ông Jonathan Baillie - đồng chủ tịch Ủy ban vì sự sống còn các loài, một tổ chức trực thuộc IUCN - nhấn mạnh có tất cả tám loài tê tê đang nằm trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng, phần lớn là do bị buôn lậu đến Trung Quốc và Việt Nam.
Chuyên gia này cho rằng nạn buôn lậu đang rộ lên ở châu Á không chỉ vì thịt tê tê là món ăn thượng hạng mà vì vảy của loài động vật này còn được dùng trong đông y để chữa một số bệnh.
Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn con tê tê bị buôn lậu ở khu vực này. Cuối tháng 4-2013, hải quan Pháp đã chặn 50kg vảy tê tê đang trên đường từ Cameroon chuyển về Việt Nam.
Dan Challender, chủ tịch nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức động vật học ở London, đề xuất chính phủ Trung Quốc và Việt Nam cần cho thống kê số tê tê hiện đang còn trong tự nhiên của mình và công bố công khai nhằm cho người dân thấy rằng tê tê bắt từ rừng tự nhiên sẽ sớm không còn để lên bàn ăn nữa.
Bốn chân là ăn, trừ... cái bàn
Ở Trung Quốc, hoạt động buôn bán tê tê vẫn bùng phát bất chấp chính quyền Bắc Kinh đã có luật cấm và phạt tù bất kỳ ai buôn bán hoặc ăn động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Cụ thể, miền nam Trung Quốc từ lâu nổi tiếng là vùng có khẩu vị kỳ dị. Người dân địa phương thỉnh thoảng vẫn thường khoe sẽ “ăn bất cứ thứ gì bốn chân ngoại trừ cái bàn”.
Tháng 4-2014, Trung Quốc đã tăng mức án tù lên 10 năm đối với những người bắt, bán hay tiêu thụ các loài động vật quý hiếm. Nhưng ở tỉnh Quảng Đông, việc thực thi luật còn khá lỏng lẻo.
Theo báo Tài Kinh, thịt tê tê vẫn được bày bán công khai ở ven đường. “Tôi có thể bán nửa ký thịt tê tê làm sẵn với giá 80 USD. Nếu bán một con còn sống thì giá hơn 160 USD” - một tiểu thương ở chợ bán sỉ thịt tươi Phú Hưng cho biết.
Thời Báo Kỹ Thuật Bắc Kinh dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính quyền Quảng Đông cho biết chợ Phú Hưng thực chất là một trung tâm thương mại trá hình của các nhóm buôn lậu thú rừng. Điền Dương Dương, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tự nhiên của Trung Quốc, cho biết những nhà hàng ở Quảng Đông không đưa tê tê vào thực đơn chính nhưng “khách hàng ruột” vẫn được phục vụ khi có nhu cầu ăn tê tê.
Tháng 5-2014, cảnh sát tỉnh Quảng Đông tịch thu 956 con tê tê đông lạnh, nặng khoảng 4 tấn.
Bà Jill Robertson, tổng giám đốc điều hành quỹ từ thiện Động vật châu Á ở Hong Kong, nhận định việc tăng mức án tù đối với hành vi buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm là một bước tích cực của Chính phủ Trung Quốc nhưng vẫn chưa đủ khi tính thực thi chưa hiệu quả cũng như nhận thức của người dân chưa nâng cao.
“Buôn lậu động vật hoang dã là một ngành siêu lợi nhuận, đem lại hàng tỉ USD cho các đầu nậu ở Trung Quốc” - bà Jill nhấn mạnh.
Những vụ bắt giữ ở Việt Nam
Những năm gần đây, các vụ bắt giữ buôn bán tê tê đã thường xuyên hơn tại Việt Nam. Sáng 26-7, tại địa bàn thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, bắt giữ một taxi chở 20 con tê tê với tổng trọng lượng 99,5kg. Ngày 30-6, Cục Kiểm lâm phối hợp Cục An ninh nông nghiệp nông thôn đột kích kho hàng tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) thu giữ 350kg tê tê chuẩn bị xuất sang Trung Quốc. Trong các năm 2012 và 2013 đều có các vụ bắt giữ với số lượng trên 100 con, tổng trọng lượng có vụ lên đến nửa tấn.
|
Mỹ Loan - Theo tuoitre.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét