Breaking News

Tin tức môi trường

TIn tức môi trường

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

"Hoa có độc" chơi hoa cũng phải biết cách

PGS.TS Lê Văn Thiện, Khoa Môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội khẳng định, người dân vẫn có thể chơi hoa "thời thuốc trừ sâu" nhưng nên bỏ một số thói quen như ngửi, ăn, làm kem dưỡng da...
Hồ nước có hiện tượng phú dưỡng.
PGS.TS Thiện lý giải, nguyên tắc là hoa nở theo lứa, người trồng hoa phải hái dù mới phun thuốc trừ sâu vào ngày hôm ấy. Do đó sự tồn đọng thuốc trên hoa là điều khó tránh khỏi. 

Chất cơ clo trong nhiều loại thuốc sử dụng để phun cho hoa được ghi nhận tại các làng hoa có độ độc cao, thời gian bán phân hủy trong môi trường rất lâu. Chỉ cần ngấm hàm lượng thấp, qua thời gian tiếp xúc nhiều lần, nó sẽ tích lũy dần là đã có thể gây độc. Hàm lượng này được tích lũy lâu dài trong cơ thể người, rất khó đào thải ra môi trường, vì thế càng lâu ngày càng gây độc.

 Ngược lại, có loại thuốc bảo vệ thực vật độc tính cao nhưng lại phân giải nhanh như nhóm lân hữu cơ, nitơ hữu cơ... Người dân chỉ cần ngửi hoặc tiếp xúc trực tiếp đã có thể cảm nhận được mùi, hoặc có dị ứng. Tức là khi tiếp xúc có thể thấy ngay hậu quả, nhưng chúng lại phân hủy nhanh nên chỉ cần đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch là có thể tránh được những tác hại không cần thiết đối với cơ thể.

Ngoài ra, cũng dựa vào các nguyên tắc khoa học, người dân nên hạn chế cắm nhiều hoa trong phòng ngủ, phòng kín. Bởi không chỉ nguy cơ ngộ độc thuốc trừ sâu mà còn ảnh hưởng bởi hương và phấn hoa, nhất là người có cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng. Nên bỏ thói quen như ăn cánh hoa, làm mứt hoa hay giã nhỏ lấy nước để làm kem dưỡng da... 

Đối với mứt hoa, cũng nên xem xét nguồn gốc sản xuất hoa nguyên liệu. Chỉ nên ăn mứt hoa khi có địa chỉ sản xuất, cam kết sử dụng hoa an toàn, không chứa thuốc bảo vệ thực vật.

 PGS.TS Thiện phân tích, việc lạm dụng nhiều hóa chất, thiếu kiến thức bảo vệ thực vật của người trồng hoa, xử lý không tốt bao bì đựng thuốc, nước rửa tráng bình phun thuốc... cũng như không đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun; là nguy cơ gây nhiễm hóa chất đối với người trồng hoa, cộng đồng, đặc biệt là ô nhiễm môi trường các vùng trồng hoa. 

Cụ thể, hóa chất sau khi phun lên hoa sẽ phát tán vào không khí, ngấm xuống đất và nước mặt, nước ngầm. Con người cũng từ đó mà chịu những tác động liên quan qua nhiều con đường khác nhau, như tiếp xúc trực tiếp, hít thở hoặc uống nước nhiễm hóa chất. 

Các nghiên cứu của PGS.TS. Lê Văn Thiện, TS Nguyễn Kiều Băng Tâm, Nguyễn Hoàng Linh, Lê Tiến Đạt thuộc khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội có chỉ rõ: Việc thâm canh hoa ở các làng hoa làm gia tăng hàm lượng một số kim loại nặng trong đất như đồng, chì, cadimi, kẽm... Các kim loại này vượt ngưỡng cho phép lên đến hàng chục lần, nhất là tại các mẫu đất trồng hoa hồng, kế đến là hoa cúc. Đặc biệt dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhóm cơ clo hữu cơ trong đất trồng hoa hồng cũng có dấu hiệu tích lũy. Chúng thuộc nhóm hoạt chất bảo vệ thực vật có tính độc cao và đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam. Tại làng hoa xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nhiều ao, hồ nước tù bên ruộng hoa có hiện tượng phú dưỡng (thừa dinh dưỡng phốtpho và nitơ). Những ao nước tù này là nơi rửa tráng bình phun thuốc của người trồng hoa nên hầu như không có động vật thủy sinh sinh sống được. Mặt khác, vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật được vứt tràn lan trên ruộng hoa gần hai thập niên qua nhưng vẫn chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào quan tâm thu gom, xử lý triệt để, nhằm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khu vực và sức khỏe cộng đồng. 
Kiến Thức
Theo tinmoi.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Designed By VungTauZ.Com