Breaking News

Tin tức môi trường

TIn tức môi trường

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

VẤN NẠN Ô NHIỄM VÙNG CỬA SÔNG BẠCH ĐẰNG, HẢI PHÒNG


Vùng cửa sông Bạch Đằng có vị trí quan trọng về hệ sinh thái và môi trường đối với hệ thống ven bờ phía Bắc. Tuy nhiên hiện nay, vùng cửa sông này đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng tài nguyên.
Theo nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường biển Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển- IRD (Pháp), do kiến tạo của địa chất nên vùng cửa sông Bạch Đằng là môi trường sống thuận lợi cho rất nhiều loài nhuyễn thể. Các nhà khoa học xác định được 262 loài, 93 chi, 6 lớp tảo; riêng động vật phù du có tới 77 loài, 44 giống, 34 họ và 5 ngành, cùng 9 nhóm khác là ấu trùng tôm, cá, thân mềm...

Trữ lượng hằng năm của vùng triều cửa sông Bạch Đằng 4,5 tấn tu hài, 2000 tấn sò huyết, 3000 tấn sò lông, 5000 tấn ngao. Thủy triều lên đưa các loại nhuyễn thể non vào vùng triều. Các bãi triều từ Quảng Yên (Quảng Ninh) đến Đồ Sơn là nơi tập trung sinh sống của ngao, sò với trữ lượng rất lớn; vẹm xanh, vẹm nâu gặp ở Hòn Dấu, Đồ Sơn, Cát Bà. Riêng các loài ốc thì cực kỳ đa dạng và phong phú về số lượng loài: ốc mỡ Cát Bà vỏ mịn và dẹt, không có hoa văn; ốc mỡ Đồ Sơn vỏ tròn, hoa văn chấm xanh, xám, nâu, hồng sặc sỡ; ốc đỏ môi; ốc mút dạ, ốc mút giấy, ốc mút đá, ốc ngọc, ốc gai,…

Tuy nhiên, môi trường và các hệ sinh thái ven bờ, đặc biệt là rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, và các rạn san hô rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng dân số, hoạt động nhân sinh ở cả trên đất liền và tại chỗ đã tác động tiêu cực lên môi trường và hệ sinh thái vùng cửa sông Bạch Đằng.

Kết quả của đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu ảnh hưởng nhân sinh và thủy động lực tới các quần xã thực vật phù du và vi khuẩn nổi ở VCS Bạch Đằng” (Viện Tài nguyên và Môi trường biển Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển- IRD (Pháp) thực hiện) cho thấy, hàm lượng chất ô nhiễm VCS Bạch Đằng vượt ngưỡng cho phép.

Hàm lượng nitrite trung bình toàn vùng vượt giới hạn cho phép (GHCP), hàm lượng amoni xấp xỉ GHCP, hàm lượng silicate vượt GHCP của đối với nước nuôi trồng thủy sản. VCS Bạch Đằng bị ô nhiễm dầu mỡ từ 2,2 đến 3,6 lần và có biểu hiện ô nhiễm của đồng, kẽm và thủy ngân. Hàm lượng tổng hóa chất bảo vệ thực vật có clo có biểu hiện giảm, nhưng tổng DDT (loại thuốc trừ sâu rầy) vẫn phát hiện với hàm lượng vượt GHCP từ 2,9 - 5 lần. Sự ô nhiễm dầu có xu hướng tăng cao, gần khu vực cảng, bến đỗ tàu thuyền, bám vào lá sú vẹt và ngấm vào trầm tích mặt đáy. Hệ số ô nhiễm dầu trong trầm tích tăng từ 0,7 (năm 2001) lên 2,4 (năm 2008). Ô nhiễm dầu chủ yếu do tình trạng phát triển giao thông thuỷ, công nghiệp và do các phương tiện tàu thuyền đánh cá lạc hậu... và thiếu trang thiết bị cũng như khả năng ứng cứu, xử lý nhanh khi có sự cố tràn dầu.

Gần đây ảnh hưởng đục của nước ven bờ tăng lên rõ ở khu vực bãi tắm làm bẩn nước, thiệt hại tới du lịch và làm chết san hô, giảm năng suất sơ cấp thực vật nổi do hạn chế quang hợp. Sự biến đổi dòng chảy do lưu lượng nước sông và chế độ gió, nên VCS Bạch Đằng là nơi phát tán chất ô nhiễm từ lục địa ra ngoài biển, ngược lại có thể mang chất ô nhiễm từ biển trở lại vùng cửa sông. Nhu cầu ôxy hoá sinh học (BOD) khá cao (13,6 đến 31 mg/l), chỉ số vi sinh (coliform) qua khảo sát đều thấy vượt quá GHCP. Nguyên nhân là do chất thải công nghiệp, đô thị, các khu dân cư và những hoạt động trên biển gây ra. Sự phát triển công nghiệp thiếu quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng thoát nước, thu gom, xử lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chất lượng môi trường ở VCS Bạch Đằng này đang ngày càng suy giảm.

Theo monre.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Designed By VungTauZ.Com