Phải biết nghe dân khi làm chính sách

Theo ông Trịnh Lê Nguyên - GĐ PanNature - hội thảo nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và hiệu quả của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong bảo vệ môi trường, thông qua việc đẩy mạnh thể chế hóa các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014 đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2015.

Hầu hết nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định vai trò không thể thiếu của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và công nghệ Việt Nam (VUSTA) - cho rằng: Các cơ quan chức năng “cần lắng nghe ý kiến của người dân một cách tôn trọng, cầu thị trong quá trình ban hành văn bản dưới luật, chứ không thể xây dựng cơ chế chính sách trong phòng lạnh được”.

Nhiều đại biểu khác cũng nhấn mạnh việc trao quyền cụ thể cho người dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chẳng hạn trong vụ Nicotex Thanh Thái (Thanh Hoá), người dân bức xúc tự lấy mẫu đi xét nghiệm, vậy kết quả xét nghiệm đó có được coi là cơ sở pháp lý hay không? “Cần trao quyền cho người dân để tránh đẩy người dân vào tình huống vi phạm pháp luật trong đấu tranh bảo vệ môi trường” - TS Nguyễn Văn Phương – giảng viên ĐH Luật Hà Nội - nói. 

Theo TS Nguyễn Văn Phương, hiện nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường “chỉ được giải quyết khi người dân làm ầm lên”. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận rất dễ vi phạm pháp luật. “Vậy phải trao quyền cho dân, để việc đấu tranh của dân không vi phạm pháp luật nữa” – TS Phương đề xuất.

Tham dự hội thảo, ông Cáp Văn Quân - người dân xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hoá), địa phương ảnh hưởng nặng nề vụ chôn thuốc trừ sâu Nicotex - nói: “Mong các cơ quan làm luật hãy cứu người dân, xin hãy lắng nghe tiếng kêu chúng tôi”.

Có làm được như luật quy định?

Theo ông Tạ Ngọc Lâm (xã Thuỵ Vân, TP.Việt Trì) thì dù người dân có chứng minh được cái sai của đơn vị gây ô nhiễm môi trường rồi, nhưng ai sẽ là người giải quyết cái sai đó, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân. TS Nguyễn Văn Phương băn khoăn: “Luật thì như vậy, nhưng xuống đến cơ sở thì lại khác đi”. Còn theo TS Đặng Hoàng Hưng – ĐHQG Hà Nội - thì thực chất việc tham vấn vai trò cộng đồng được quy định rõ trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

 Vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào. “DN đi thuê tư vấn làm ĐTM chỉ để vượt qua quy định để được cấp phép đầu tư, đơn vị tư vấn lấy ý kiến ông chủ tịch xã ở quán nước... thì làm sao bản ĐTM đó có chất lượng được”.
Theo laodong.com.vn