Xem thêm: đánh giá tác động môi trường | báo cáo đánh giá tác động môi trường | lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
Qua đợt kiểm tra thực tế về xử lý ô nhiễm mới đây của đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường tỉnh Phú Yên tại Nhà máy đường Sơn Hòa và Đồng Xuân của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam; Nhà máy sản xuất cồn, ga, CO2, rượu, phân vi sinh của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát; Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Sông Hinh của Công ty cổ phần tinh bột sắn Fococev; Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân của Công ty cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi… cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có trách nhiệm cao trong bảo vệ môi trường.
Nhiều doanh nghiệp còn đầu tư hàng chục tỉ đồng áp dụng công nghệ xử lý chất thải hiện đại, đảm bảo không vượt quá công suất thiết kế, đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường và đạt tiêu chuẩn nước thải loại B trở lên. Đặc biệt, có doanh nghiệp còn tái sử dụng nước thải sau sản xuất vào mục đích kinh doanh và tưới cây xanh. Cụ thể, nhà máy của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát có tổng lượng nước thải đưa vào hệ thống xử lý tập trung khoảng 78m3/ngày đêm, lượng nước giải nhiệt xả ra môi trường 259m3/ngày đêm.
Nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn loại B, được sử dụng để tưới cho 15ha mía của công ty; nước giải nhiệt một phần được tái sử dụng, còn lại thải ra môi trường.
Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân sử dụng khoảng 12.000 tấn sắn tươi/tháng có công suất hoạt động 120/200 tấn sắn/ngày, công suất xử lý 3.400m3/ngày, lượng nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt trung bình 2.200m3/ngày được gom, xử lý bằng phương pháp sinh học có thu gom khí biogas, sau đó thải ra sông Kỳ Lộ.
Nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Công ty cổ phần tinh bột sắn Fococev có công suất hoạt động khoảng 130 tấn sắn/ngày; nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất trung bình 3.800m3/ngày (tương đương với lượng nước đầu vào từ nguồn nước sông Hinh) được thu gom, xử lý theo công nghệ sinh học bằng hồ biogas kết hợp với các hồ tùy nghi.
Nhà máy đường Sơn Hòa của Công ty TNHH Công nghệp KCP Việt Nam (100% vốn Ấn Độ) có công suất 5.000 tấn mía/ngày, lượng nước thải sản xuất trung bình hơn 1.000m3/ngày đêm, được thu gom vào hệ thống xử lý bằng phương pháp hiếu khí, sau đó thải ra sông Ba.
Để bảo đảm cho quá trình xử lý nước thải sau khi nâng công suất lên 10.000 tấn mía/ngày, đơn vị cũng đã lên phương án xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp hiếu khí kết hợp với kỵ khí.
Theo ông Trần Trung Trực, Phó chi cục trưởng Chi cục môi trường (Sở TN-MT Phú Yên), Trưởng đoàn kiểm tra về xử lý ô nhiễm, các doanh nghiệp trên đầu tư hệ thống nước thải đúng theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, phù hợp với tình hình sản xuất thực tế, kết quả phân tích nước thải đều đạt yêu cầu, chất lượng nước thải đạt quy chuẩn.
Đầu tư tiền tỉ nâng cấp công nghệ xử lý.
Việc đầu tư công nghệ xử lý nước thải đang được các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản chú trọng, song do điều kiện sản xuất thực tế, hiện một số doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn cần sự quan tâm của chính quyền các cấp và ngành chức năng. Ông Trần Xuân Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tinh bột sắn Fococev cho biết, trung bình 1kg tinh bột sắn, doanh nghiệp phải trích ra 50 đồng để tái đầu tư công nghệ xử lý nước thải chống ô nhiễm. Hiện doanh nghiệp này đang triển khai đầu tư nâng công suất nhà máy sắn thêm 200 tấn thành phẩm/ngày, tổng kinh phí gần 222 tỉ đồng để rút ngắn thời gian chạy máy, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu, đảm bảo thời vụ gieo trồng, tạo việc làm cho nông dân các huyện Sông Hinh, Tây Hòa, Sơn Hòa. Vấn đề này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra tình hình thực tế về xử lý ô nhiễm môi trường, rà soát phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu và công suất, kiểm tra tình hình tiêu thụ và định hướng phát triển của nhà máy trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch – Đầu tư tổng hợp tình hình, có đề xuất cụ thể cho UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương đầu tư nâng công suất của Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Sông Hinh..
Ông Lê Tuấn Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cho biết, doanh thu bình quân hàng năm của Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân khoảng 350 tỉ đồng, hàng năm doanh nghiệp phải đầu tư trên dưới 10 tỉ đồng nâng cấp công nghệ xử lý chất thải. Hiện doanh nghiệp đang triển khai xây dựng phân xưởng sấy bã để xử lý mùi chua với kinh phí 15 tỉ đồng; đồng thời thí điểm lựa chọn thiết bị, lắp đặt hệ thống tách bùn trộn với vỏ lụa sắn để sản xuất phân vi sinh.
Đối với Công ty THNH Rượu Vạn Phát, bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc công ty cho biết, xuất phát từ tình hình sản xuất thực tế, công ty đang có nhu cầu cần 5ha đất xây dựng bãi đậu xe vận chuyển mía và 10ha đất xây dựng Nhà máy phân vi sinh tổng hợp tại thôn Mặt Hàn, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa với công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm.
Theo bà Quy, hiện nhà máy chỉ có diện tích 5ha, quá nhỏ so với nhu cầu. Việc xin 10ha đất để xây dựng nhà máy phân vi sinh cũng phù hợp với công văn số 99 ngày 1/7/2004 của UBND huyện Sơn Hòa và công văn số 876 ngày 2/7/2004 của Sở Kế hoạch – Đầu tư chấp thuận, đề nghị UBND tỉnh xem xét, thông báo cho phép đầu tư Nhà máy sản xuất cồn, rượu và phân vi sinh có quy mô đầu tư trên diện tích khoảng 14ha. “Đủ diện tích mới đảm bảo cho sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời đáp ứng được đòi hỏi về môi trường, như trồng cây xanh phải đủ 40% diện tích theo quy định”, bà Quy, nói.
Theo ông Trần Trung Trực, thời gian tới các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ xử lý nước thải theo hướng hiện đại, đồng thời vận hành đúng thiết kế kỹ thuật, đảm bảo nước thải không gây ô nhiễm nguồn nước sông Ba và sông Kỳ Lộ. Nếu các nhà máy có nhu cầu nâng công suất, phải tính toán, đánh giá toàn bộ lượng chất thải phát sinh để đầu tư hệ thống xử lý phù hợp, đảm bảo chất lượng theo quy định.
Xem thêm: đánh giá tác động môi trường | báo cáo đánh giá tác động môi trường | lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
Bài & ảnh: Phương Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét