Breaking News

Tin tức môi trường

TIn tức môi trường

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Môi trường biển bị tác động bởi dân cư và khí hậu như thế nào

Có thể thấy, sự phát triển kinh tế, dân số, diễn biến bất thường của khí hậu và thiên tai đã tác động lớn đến tài nguyên và môi trường biển. Vùng biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững.
Mâu thuẫn trong sự phát triển
Vùng ven biển nước ta là nơi phát triển kinh tế năng động và có mật độ, tốc độ phát triển dân số cao. Dọc bờ biển có tới 12 đô thị lớn, 40 cảng, hàng trăm bến cá và khoảng 238.600 cơ sở sản xuất công nghiệp.
Hoạt động du lịch, dịch vụ và quá trình đô thị hoá đang gia tăng mạnh. Sản lượng khai thác cá biển, đã vượt mức cho phép, 80% là từ vùng nước ven bờ. Nguồn lợi hải sản gần bờ và xa bờ đều giảm nhiều so với 10 năm trước.
Sản lượng khai thác gần bờ năm 2003 giảm 14% so với năm 2001 và mức đóng góp vào tổng sản lượng thuỷ sản của quốc gia giảm từ 63% xuống còn 48,7%.
Diện tích đầm nuôi thuỷ sản nước mặn, lợ tăng, nhiều địa phương phát triển ồ ạt. Phương tiện giao thông thủy ngày càng nhiều, sản lượng khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng tăng, gây nên tình trạng ô nhiễm dầu trên diện rộng.
Tràn dầu là một trong số tai biến đáng báo động. Trong số các nguồn ô nhiễm dầu, lớn nhất là nguồn từ tuyến hàng hải quốc tế. Khai thác khoáng sản ven biển như than, vật liệu xây dựng, sa khoáng đã làm biến dạng cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường và làm tăng xói lở bờ biển.
Riêng mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh mỗi năm đã thải ra khoảng 13 - 19 triệu mét khối đất đá và khoảng 30 - 60 triệu mét khối chất thải lỏng.
Rừng bị tàn phá nặng nề do thiên tai và khai thác quá mức của con người. Ngoài ra, hệ thống đập - hồ chứa trên lưu vực cũng làm thay đổi lớn lượng tải, phân bố nước và trầm tích đưa ra biển.
Sự mất đi một lượng lớn nước ngọt, trầm tích và dinh dưỡng do đắp đập ngăn sông đã gây ra những tác động lớn cho vùng ven biển như xói lở, xâm nhập mặn, thay đổi chế độ thủy văn, mất nơi cư trú và bãi giống, bãi đẻ của sinh vật, suy giảm sức sản xuất của vùng biển ven bờ, gây thiệt hại về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản đánh bắt và nuôi trồng.
Việt Nam có trên 650 đập - hồ chứa cỡ lớn, vừa và hơn 3.500 đập - hồ chứa cỡ nhỏ, tổng sức chứa các đập - hồ thuỷ điện trên hệ thống sông Hồng bằng 20% tổng lượng dòng chảy năm của hệ thống này.
Trên thượng lưu sông Mê-kông, Trung Quốc đang phát triển mạnh các đập - hồ chứa, dự kiến đến năm 2010 có 8 đập - hồ chứa lớn với tổng dung tích trên 40km3 và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vùng ven biển Việt Nam.
Với diện tích nông nghiệp trên 7 triệu héc-ta (60% là lúa), hàng năm, một dư lượng đáng kể phân bón hoá học và hoá chất bảo vệ thực vật theo sông chảy ra gây ô nhiễm môi trường biển.
Dân số gia tăng, tốc độ đô thị hoá nhanh, hoạt động công nghiệp và giao thông đã phát thải một lượng lớn các chất thải, chủ yếu chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường vùng ven biển.
Hoạt động du lịch cũng gây áp lực lớn cho môi trường (chỉ riêng hoạt động này trong năm 2003 đã thải ra 32.273 tấn rác và 4.817.000m3 nước thải).
Thiên tai, thậm chí khả năng xuất hiện động đất và sóng thần, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển bền vững vùng biển. Mực nước dâng cao dẫn tới ngập lụt ven biển, nhiễm mặn, xói lở, sa bồi làm đảo lộn cân bằng tự nhiên và sinh thái. Xói lở bờ biển tăng cả về quy mô và tính chất nguy hiểm.
Có đến 397 đoạn bờ đã và đang bị xói lở với tổng chiều dài 920km, tốc độ phổ biến 5 - 10m/năm, cá biệt 30 - 50m/năm. Sa bồi là tai biến phổ biến, có tác động tiêu cực đến cảng biển.
Ở ven biển miền Trung, sa bồi làm lấp các cửa sông và đầm phá, làm các vực nước ven biển bị ngọt hoá, ảnh hưởng đến nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ, mất lối ra biển và gia tăng ngập lụt.
Như vậy, có thể thấy, sự phát triển kinh tế, dân số, diễn biến bất thường của khí hậu và thiên tai đã tác động lớn đến tài nguyên và môi trường biển. Vùng biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững.
Để phát triển bền vững cần có
Có sự đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển, hiện trạng và những biến động về tài nguyên và môi trường biển. Vì vậy, cần tiến hành điều tra, nghiên cứu có hệ thống về biển, xây dựng cơ sở dữ liệu và thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả điều tra, nghiên cứu mới.
Tiến hành định kỳ các hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường biển. Xây dựng các trạm cảnh báo thiên tai (động đất, sóng thần, núi lửa, nước dâng, ngập lụt, sa bồi, xói lở, xâm nhập mặn, tràn dầu, hoá chất, thuỷ triều đỏ...).
Giám sát và đánh giá mức độ suy thoái của tài nguyên các hệ sinh thái biển. Quyết định (số 47/2006/QĐ-TTg ngày 1.3.2006) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn 2020” với danh mục 20 nhiệm vụ - đề án là một mốc quan trọng đối với công tác điều tra và nghiên cứu biển, thể hiện quyết tâm theo định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Xây dựng chiến lược và các chương trình, kế hoạch hành động, các dự án ưu tiên để kiểm soát ô nhiễm, ngăn ngừa suy thoái, phát triển tài nguyên, cảnh báo thiên tai và ngăn ngừa sự cố môi trường trên biển. Phát huy thế mạnh của nền kinh tế thị trường đối với khai thác tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng biển.
Xây dựng một hệ thống các cơ quan chuyên trách điều tra nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ về biển đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh - quốc phòng, đảm bảo bình đẳng trong hợp tác quốc tế song phương và đa phương trên vùng biển Việt Nam và trên biển Đông.
Phấn đấu xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ biển (đội tàu nghiên cứu, các trạm quan trắc môi trường và cảnh báo thiên tai, các phòng thí nghiệm trọng điểm và các cơ sở thực nghiệm).
Tăng tỷ lệ ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt cho phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đánh giá và phát hiện mới tài nguyên biển.
Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến trong khai thác tiềm năng và bảo vệ tài nguyên - môi trường biển: xây dựng công trình trên biển, dự báo, thăm dò khoáng sản và nguồn lợi nghề cá, ứng dụng công nghệ vệ tinh màu nước dự báo ngư trường, nuôi trồng thuỷ sản hiệu suất cao không gây ô nhiễm môi trường, giải quyết vấn đề nước ngọt cho vùng ven biển và các đảo xa bờ, phát triển các nguồn năng lượng sạch có nguồn gốc từ biển (gió, sóng, thuỷ triều, dòng chảy...)
Phát hiện và kịp thời xử lý các vụ vi phạm như vận chuyển và đổ thải trái phép các chất gây ô nhiễm, sử dụng các hình thức khai thác huỷ hoại tài nguyên, vi phạm trong các vùng bảo vệ nghiêm ngặt.
Gắn kết phát triển kinh tế với an ninh - quốc phòng và bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển, phối hợp tốt các tổ chức kinh tế và các cơ quan quản lý tài nguyên - môi trường với các tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển, cảnh sát biển, hải quân và bộ đội biên phòng.
Thực hiện đánh giá tác động môi trường và ưu tiên triển khai các dự án quản lý, bảo vệ tài nguyên - môi trường biển như xử lý các chất thải, phục hồi nơi sinh cư của các loài quý hiếm, đặc hữu và các hệ sinh thái đặc thù, ứng cứu các sự cố môi trường, đặc biệt là tràn dầu trên biển
Phát triển các mô hình quản lý tổng hợp biển và dải ven bờ, kết hợp với quản lý lưu vực thượng nguồn. Phát triển các khu bảo tồn biển như là một quốc sách phát triển bền vững. Quan tâm phát triển các dạng bảo tồn thiên nhiên khác như di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển và khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia.
Giáo dục, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên - môi trường, hướng tới phát triển bền vững vùng biển. Xây dựng ý thức mới “bảo vệ tài nguyên - môi trường biển là trách nhiệm, là hành động yêu nước của mỗi người”. Hỗ trợ và quan tâm xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư trên đảo và ven biển.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong điều kiện toàn cầu hoá để hội nhập và thực thi các công ước quốc tế liên quan đến biển. Tham gia các tổ chức, các hoạt động trong các mạng lưới quốc tế về biển, tạo điều kiện để giao lưu, nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và cập nhập thông tin khoa học và công nghệ về biển. Ưu tiên các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ cao để tiếp cận trình độ khu vực.
Phương Minh
Theo bienphongvietnam.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Designed By VungTauZ.Com