Hơn sáu năm trước, sông Thị Vải (nằm ở hạ lưu thuộc lưu vực sông Đồng Nai) được ví như "dòng sông chết" do chất thải của các nhà máy chưa qua xử lý xả trực tiếp ra sông. Nhưng với sự vào cuộc nỗ lực của cả cộng đồng, "dòng sông chết" đang trong xanh trở lại, những nguồn thủy sản lại trở về theo từng con nước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Bình yên trở lại
Đêm xuống. Những đốm sáng trải dài trôi theo con nước như biến sông Thị Vải thành dòng "sao băng". Bà Nguyễn Thị Ánh, huyện Long Thành (Đồng Nai) đã hơn 30 năm sống dựa vào dòng sông này bằng đánh bắt thủy sản bày tỏ: "Sau thời gian chuyển đi nơi khác làm ăn sinh sống do dòng sông Thị Vải ô nhiễm, nay tôi trở về đánh bắt cá. Hồi trước nước sông mầu đen và hôi lắm, giờ đã trong xanh trở lại, cá tôm cũng theo đó mà về".
Theo thống kê của Sở TN và MT Đồng Nai, một ngày đêm có khoảng 500 nghìn m3 nước thải công nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn Đồng Nai xả ra môi trường. Trong đó, chỉ tính nước thải từ các doanh nghiệp trong 28 KCN đang hoạt động có gần 100 nghìn m3 một ngày đêm (chưa tính các doanh nghiệp nằm ngoài KCN). Mặc dù 28 KCN đi vào hoạt động đều đã có Nhà máy xử lý nước thải tập trung (NMXLNTTT), song chỉ 19 KCN có NMXLNTTT xử lý đạt quy chuẩn. Số còn lại, có năm KCN không có đủ nước thải để vận hành nhà máy và hai KCN Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch) và Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đã hoàn thành xong NMXLNTTT nhưng chưa hoàn thành việc bồi thường giải tỏa mặt bằng để có thể thi công xây dựng hệ thống tuyến cống thu gom nước thải để xử lý.
Những chiếc thuyền sau nhiều năm nằm yên, nay đã được người dân sửa chữa lại. Ngày đêm, hàng trăm con người lại giăng lưới trên dòng sông trong xanh. Nguồn thủy sản sau khi Thị Vải hồi sinh còn ít, nhưng dần dần việc đánh bắt đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đang chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt thủy sản qua đêm, ông Trần Văn Tiện, xã Phước Thái, huyện Long Thành (Đồng Nai) chia sẻ: "Trước đây nước sông đen ngòm do nguồn thải chưa qua xử lý của các công ty xả ra, khiến cá, tôm bị chết, nguồn thủy sản dường như cạn kiệt, đánh bắt không được gì. Sau vụ Công ty Vedan xả trực tiếp chất thải vào sông năm 2008, các ban, ngành chức năng đã tăng cường kiểm soát, xử lý, nước sông đã được cải thiện, ngư dân đánh bắt tôm, cá cũng được nhiều". Còn chị Phạm Thị Kiều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái, huyện Long Thành thì cho biết: "Hiện, trên địa bàn xã có khoảng 300 hộ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản dựa vào con nước của dòng sông Thị Vải".
Không chỉ đánh bắt, hàng nghìn hộ nuôi trồng thủy sản ven sông Thị Vải thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đã cải tạo lại những đầm tôm bỏ hoang, đầu tư số lượng lớn con giống, thức ăn để nuôi trồng. Người dân các tỉnh miền Tây cũng lên khu vực này để thuê đất làm đầm nuôi tôm. Năm trước, ông Nguyễn Quốc Khởi, ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau lên huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) thuê đất và đầu tư hơn 350 triệu đồng để cải tạo lại các đầm nuôi tôm. Sau vụ thu hoạch năm ngoái, ông Khởi thu lãi hơn 100 triệu đồng. "Trước đây nước sông ô nhiễm, người ta bỏ không làm cho nên các đầm tôm bị bể hết. Tôi lên thuê và gia cố lại các bờ để nuôi tôm. Nhìn chung việc làm ăn cũng thuận lợi, tôm nhanh lớn, do đó, một tháng chúng tôi cũng lãi từ 12 đến 14 triệu đồng", ông Khởi vừa cho tôm ăn vừa hồ hởi cho biết.
Sau vụ Vedan xả chất thải trực tiếp ra sông vào năm 2008, việc giám sát nguồn thải của các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Đồng Nai tăng cường, thực hiện thường xuyên. Kết quả quan trắc năm 2013 và sáu tháng đầu năm nay cho thấy, chất lượng nước sông Thị Vải đạt yêu cầu bảo tồn động, thực vật thủy sinh, tuy nhiên, một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt chuẩn so với quy định. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN và MT Đồng Nai cho hay: "Một số vị trí chúng tôi quan trắc vào mùa khô, do lượng nước trên thượng nguồn về ít cho nên độ mặn cao, một số chỉ tiêu như BOD, NO2 (-) vượt chuẩn nhưng tần suất không nhiều".
Để sông Thị Vải mãi xanh
Sông Thị Vải nằm ở hạ lưu, đồng thời dòng sông cũng phải "gánh" nhiều khu công nghiệp (KCN), cho nên các nguồn thải nguy hại, mọi con nước "trong" hay "đục" đều đổ dồn về đây.
KCN Biên Hòa 1, nằm dọc sông Đồng Nai, TP Biên Hòa (Đồng Nai) là KCN được thành lập sớm nhất ở Việt Nam với diện tích khoảng 330 ha, và được xem là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường cho sông Đồng Nai (đầu nguồn sông Thị Vải). Hiện mỗi ngày, 97 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả ra hơn 9.000 m 3 nước thải. Trong số này, chỉ có 1.100 m 3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, 7.900 m3 nước thải còn lại được các doanh nghiệp "tự xử lý" rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Qua kết quả quan trắc của Sở TN và MT Đồng Nai (đoạn tiếp giáp với KCN Biên Hòa 1) cho thấy, chất lượng nước chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Cụ thể: chất lượng nước bị ô nhiễm do chất rắn lơ lửng, vi sinh, đặc trưng là hàm lượng DO, TSS, COD, Fe, E.Coli và Coliform vượt so với tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân dẫn đến nguồn ô nhiễm trên là do một số nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 hiện nay vẫn đang kế thừa cơ sở vật chất của các nhà máy cũ trước 1975 với các thiết bị, công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, năng lực sản xuất yếu kém dẫn đến không có khả năng tài chính để đổi mới công nghệ. Đồng thời, hầu hết các nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 đều không có hệ thống xử lý nước thải riêng và cũng khó có thể thực hiện việc tách riêng hệ thống nước mưa và hệ thống nước thải trong nội bộ nhà máy để đấu nối vào hệ thống nước thải chung của KCN.Điều này dẫn đến một lượng lớn nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất tại KCN Biên Hòa 1 được xả trực tiếp xuống sông Đồng Nai, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Để xóa sổ "điểm đen" này, tỉnh Đồng Nai đã thành lập kế hoạch và đang khẩn trương thực hiện chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại hiện đại vào năm 2020 với kinh phí lên đến gần 15 nghìn tỷ đồng. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và các công ty nằm trong KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đến KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom và các KCN lân cận với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm môi trường.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cùng với việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, thu hút các dự án thân thiện với môi trường, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm, hoàn thiện hệ thống NMXLNTTT... Tỉnh Đồng Nai đã đầu tư nhiều trạm quan trắc tự động trên sông Đồng Nai và sông Thị Vải, lắp đặt trạm quan trắc tự động tại 18 KCN có hệ thống xử lý nước thải vận hành ổn định và 19 doanh nghiệp nằm ngoài KCN có lưu lượng nước thải lớn. Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN và MT Đồng Nai cho biết: "Sắp tới, Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, lắp đặt thêm sáu trạm quan trắc tự động trên hệ thống sông Đồng Nai, sông Thị Vải để giám sát nguồn nước thải một cách chặt chẽ, khoa học hơn".
Dòng sông Thị Vải đang hồi sinh từng ngày, nhưng nỗi lo sông ô nhiễm trở lại vẫn cứ bám lấy tâm trí, cuộc sống của người dân. Bởi, với đặc thù nhiều KCN nằm ven sông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với hàng nghìn nhà máy đang hoạt động, nếu các cơ quan chức năng không tăng cường giám sát, xử lý nghiêm minh và triệt để những hành vi vi phạm môi trường, chuyện buồn về sông Thị Vải có thể lặp lại.
Theo: Cao Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét